Cựu Chủ tịch Đà Nẵng nói về 5 khẩu súng bị công an thu giữ

Cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Văn Minh nói lúc làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông trang bị công cụ hỗ trợ để mang theo khi đi công tác.

Chiều 3/1, HĐXX thẩm vấn 2 cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến về trách nhiệm cá nhân trong việc ký chuyển nhượng 22 nhà đất, dự án bất động sản cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”).

Không hưởng lợi cá nhân

Bị cáo Chiến nói khi còn là phó chủ tịch, việc giao đất cho Vũ được thực hiện theo chỉ đạo của 2 chủ tịch tiền nhiệm, trong đó có ông Trần Văn Minh. Quyết định giao đất do chủ tịch UBND TP ban hành dựa trên chủ trương chung của Thường vụ Thành ủy.

Suốt thời kỳ dài, Đà Nẵng áp dụng quy định giảm 10% tiền sử dụng đất cho một số tổ chức, cá nhân nhưng khi thấy việc này không đúng, bị cáo đã hủy bỏ.

Cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng khai ban đầu chỉ biết Vũ là chủ doanh nghiệp trên địa bàn. Từ khi có văn bản của Bộ Công an về việc đề nghị cho công ty của Phan Văn Anh Vũ được nhận chuyển nhượng nhà đất, bị cáo mới biết Vũ liên quan hoạt động tình báo.

Ông Văn Hữu Chiến khẳng định không hưởng lợi ích vật chất khi ký văn bản liên quan 22 nhà đất, dự án bất động sản giao cho phía Vũ “Nhôm”. Khi là phó chủ tịch, bị cáo ký 20 hồ sơ theo phân công của chủ tịch. Ông Chiến khai do quá bận bịu nên không kiểm tra mà làm theo quyết định của cấp trên và các cơ quan tham mưu.

 Bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: Việt Linh.

Bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: Việt Linh.

“Tôi là khâu cuối cùng của quy trình. Không chịu sự chỉ đạo của ai, không kiểm tra vì trách nhiệm thẩm định thuộc cơ quan chuyên môn”, ông Văn Hữu Chiến khai.

Đối với lô đất 29 ha tại khu đô thị quốc tế Đa Phước, bị cáo nói không tham gia từ đầu nên ký ban hành quyết định thu hồi đất của một doanh nghiệp nước ngoài để giao cho công của Phan Văn Anh Vũ theo đề xuất của Văn phòng UBND TP. Còn nhà đất số 16 Bạch Đằng, bị cáo đồng ý chuyển nhượng vì có văn bản của Bộ Công an.

“Về hình thực, Bộ Công an chỉ đề nghị nhưng về hiệu lực, lãnh đạo địa phương nghĩ rằng đó là trách nhiệm cần ủng hộ”, cựu chủ tịch lý giải và thừa nhận theo Luật Đất đai phải đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng ông cũng băn khoăn khi Luật công an nhân dân quy định tất cả tổ chức, công dân phải tạo mọi điều kiện giúp đỡ lực lượng công an.

Tại tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến cũng khai khi ký các quyết định không biết Phan Văn Anh Vũ lập ra nhiều công ty để mua đất, thuê nhà. Ông khẳng định làm những việc này hết sức vô tư trong sáng, vì sự phát triển chung của thành phố.

Cựu Chủ tịch UBND Đà Nắng nói có những quyết định ông chưa ký nhưng phía Vũ “Nhôm” đã nộp tiền theo chủ trương của chủ tịch. Bị cáo hoàn toàn bất ngờ khi cơ quan điều tra cho xem hồ sơ thể hiện việc này và mong HĐXX xem xét việc ông ký chỉ là tất khâu cuối cùng của thủ tục.

“Tôi ký các văn bản đều đúng chủ trương"

Chiều 3/1, người tiền nhiệm của ông Chiến là bị cáo Trần Văn Minh cũng được xét hỏi. VKSND Tối cao quy kết ông Minh cùng các bị cáo khác đã chuyển nhượng, giao trái quy định 22 nhà, đất công sản và 7 dự án ở Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ.

Cựu Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng vụ án xảy ra đã 10 năm nên cần nhìn nhận sự việc ở thời điểm bị cáo ký 6 văn bản trên tinh thần của Quyết định 140 cho phép bán chỉ định nhà công sản cho đơn vị đang thuê.

 Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh. Ảnh: TTXVN.

Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh. Ảnh: TTXVN.

“Tôi ký các văn bản đều đúng theo chủ trương, đường lối”, bị cáo nói và thừa nhận khi còn là chủ tịch, ông có vai trò quyết định cuối cùng trong việc chuyển nhượng, giao nhà, đất công sản và dự án bất động sản ở Đà Nẵng.

Về mức giá chuyển nhượng, Chủ tịch UBND TP cũng là người quyết định. Tuy nhiên, ông Minh khai bản thân làm điều này theo "sự kế thừa các lãnh đạo tiền nhiệm”.

Trong phần thẩm vấn, HĐXX dành phần lớn thời gian để xét hỏi bị cáo Trần Văn Minh về việc ký ban hành văn bản chuyển nhượng, giao 22 nhà, đất công sản và 7 dự án cho Phan Văn Anh Vũ. Trả lời chủ tọa, cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng đều thừa nhận việc ký này đúng quy định của pháp luật.

Ở một số nhà đất công sản và dự án, ông Minh thừa nhận là người phê duyệt chủ trương chuyển nhượng nhưng việc này xuất phát từ chủ trương của người tiền nhiệm Hoàng Tuấn Anh.

“Chủ trương đó quy định đất chưa được đền bù giải phóng mặt bằng thì không đấu giá. Sau đó, các thế hệ lãnh đạo tiếp theo thực hiện”, ông Minh nói và khẳng định bản thân đưa ra mức định giá chuyển nhượng, giao 29 hạng mục nêu trên là chính sách phù hợp với quy định của pháp luật.

Riêng với dự án Công viên An Đồn, bị cáo Trần Văn Minh nói ông đồng ý chủ trương giao dự án án này cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Vũ “Nhôm” làm Chủ tịch HĐQT) mà không qua đấu giá là dựa trên quy định của Nghị định 17 và công văn của Bộ Công an.

“Công văn của Bộ Công an có phải quy định của pháp luật bắt buộc phải thực hiện không?” Trả lời HĐXX, ông Minh tái khẳng định việc chuyển giao nhà, đất công sản và dự án bất động sản cho Phan Văn Anh Vũ đều đúng theo quy định của pháp luật.

 Phan Văn Anh Vũ bị cách lý khi HĐXX xét hỏi các bị cáo khác. Ảnh: TTXVN.

Phan Văn Anh Vũ bị cách lý khi HĐXX xét hỏi các bị cáo khác. Ảnh: TTXVN.

Bị cáo có biết Vũ đứng sau các công ty được chuyển nhượng, giao 22 nhà, đất công sản và 7 dự án không? Ông Minh nói không quan tâm những chuyện này và khẳng định đã tuân theo pháp luật, định giá đầy đủ.

Trong hơn một giờ trả lời xét hỏi, bị cáo sinh năm 1955 cũng lý giải việc cơ quan điều tra thu giữ 5 khẩu súng (dạng công cụ hỗ trợ) và 18 viên đạn khi khám nhà. “Tôi có giấy phép do cơ quan công an cấp. Ba khẩu súng bắn đạn hơi cay, 2 khẩu còn lại gồm một khẩu bắn bi nhựa, một khẩu hoa văn để trưng bày”, ông Minh liệt kê.

Tại sao bị cáo có nhiều khẩu súng bắn đạn hơi cay trong nhà? Ông Trần Văn Minh nói khi còn giữ chức Chủ tịch Đà Nẵng, ông phụ trách mảng tế nhị, khó nói. Sau này, lúc làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông trang bị công cụ hỗ trợ khi đi công tác.

Tâm Hoàng - Bá Chiêm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuu-chu-tich-da-nang-noi-ve-5-khau-sung-bi-cong-an-thu-giu-post1031637.html