Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói có 30% cổ phần trong FLC tài sản trị giá tỉ USD

Tại tòa, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tự định giá tập đoàn này lên tới hàng tỉ USD, trong đó bị cáo có 30% cổ phần

Sáng nay 25-7, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội dự kiến công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết cựu chủ tịch Tập đoàn FLC cùng 49 đồng phạm.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa. Ảnh: Nam Phương

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa. Ảnh: Nam Phương

Tuy nhiên, đầu giờ sáng nay 25-7, đại diện VKSND đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) quay lại xét hỏi đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết về phương án khắc phục hậu quả vụ án.

Trước tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết rằng từ trong trại tạm giam, bị cáo luôn nỗ lực, đau đáu về việc khắc phục hậu quả. Qua đó, nhiều lần bị cáo thông qua luật sư, những người thuộc Tập đoàn để nhờ, tìm cách khắc phục.

Cựu chủ tịch FLC cam kết nếu khối tài khoản khoảng 4.800-5.000 tỉ đồng đang bị cơ quan điều tra phong tỏa được "tạo điều kiện", bị cáo sẽ bán toàn bộ để đền bù.

Tiếp đó, cựu chủ tịch FLC cho biết bị cáo đang nắm giữ hơn 30% cổ phần Tập đoàn FLC và nhiều lần đã đề nghị được bán để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đến nay, số cổ phần trên vẫn "đóng băng".

"Hơn 30% cổ phần này rất lớn vì FLC sở hữu nhiều tài sản trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng, với 5.000 đến 6.000 phòng khách sạn 5 sao. Tính vo, FLC có tài sản lên tới hàng tỉ USD, trong đó tôi có hơn 30% cổ phần" - bị cáo Trịnh Văn Quyết tự định giá tài sản tại FLC.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, cựu chủ tịch FLC cho biết tài sản trên có một số đang thế chấp ngân hàng, nhưng phần lớn là thuộc tập đoàn.

Sau nội dung trả lời trên, đại diện VKSND đề nghị cần thêm thời gian trước khi luận tội. Do đó, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa và quay lại phần tranh tụng vào chiều 26-7.

Trước khi diễn ra phiên tòa, Tòa đã triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros phiên tòa với tư cách bị hại. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, rất ít những người nêu trên tham gia phiên tòa. Tại phiên tòa, một số bị hại, người nghĩa vụ liên quan còn nắm giữ cổ phiếu ROS nhiều đều mong muốn bị cáo Trịnh Văn Quyết nhanh chóng đền bù tổn thất tinh thần cũng như vật chất bằng cách cho giao dịch lại mã cố phiếu ROS hoặc đền bù bằng số tiền nhà đầu tư đã mua cổ phiếu.

Bên cạnh đó, cũng một số nhà đầu tư mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trịnh Văn Quyết để cựu chủ tịch FLC ấy về tiếp tục sản xuất kinh doanh. Qua đó, các cổ phiếu ROS lại tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán.

Trong quá trình diễn ra phiên tòa ngày 23-7, bà L.Th.N.D. (vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết) có đơn gửi tới HĐXX TAND TP Hà Nội về việc tiếp tục nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Theo đó, bà D. đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 25,1 tỉ đồng.

"Thực hiện theo mong muốn, nguyện vọng của chồng tôi - anh Trịnh Văn Quyết về việc khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, gia đình chúng tôi đã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè tối đa để nộp tiền khắc phục hậu quả ở mức cao nhất và đến nay gia đình chúng tôi đã vay mượn, huy động thêm được số tiền 25,1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án"- bà D. nêu trong đơn.

Trước đó, bà D. đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 23 tỉ đồng, cùng với khoảng 190 tỉ kê biên trước đó . Như vậy, đến nay, bị cáo Quyết đã nộp khoảng 240 tỉ đồng.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-noi-co-30-co-phan-trong-flc-tri-gia-ti-usd-196240725085639598.htm