Cựu chủ tịch Grammy tố nạn quấy rối tình dục ở Viện Hàn lâm Hoa Kỳ
Deborah Dugan - cựu chủ tịch Grammy - đã đệ đơn tố cáo hàng loạt sai trái ở Viện Hàn lâm Thu âm, bao gồm việc quấy rối tình dục, nạn phân biệt giới tính và chủng tộc.
10 ngày trước khi lễ trao giải Grammy 2020 diễn ra, Deborah Dugan - Chủ tịch Viện Hàn lâm Thu âm Hoa Kỳ - đã bị đuổi việc sau 6 tháng điều hành.
Ngay sau đó, bà đã đệ đơn gửi Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng Hoa Kỳ (EEOC), tố cáo hàng loạt sai trái tại Viện Hàn lâm như nạn quấy rối tình dục, phân biệt giới tính và chủng tộc, thủ tục bỏ phiếu không đúng và xung đột lợi ích giữa các thành viên trong hội đồng.
Nạn quấy rối tình dục
Trong đơn khiếu nại dài 44 trang, Dugan kể lại chi tiết việc bà bị quấy rối tình dục bởi Joel Katz - luật sư của Công ty Greenberg Trauig. Đây là đơn vị cố vấn cho Viện Hàn lâm Thu âm Hoa Kỳ.
Cụ thể, vào tháng 5/2019, khi bắt đầu đến làm việc tại Viện Hàn lâm,D Dugan kể bà được Joel Katz đề nghị đi ăn tối riêng. Trong bữa tối, người này dùng nhiều lời hoa mỹ để dụ dỗ Dugan. Joel Katz còn cố tình hôn và đụng chạm vào thân thể của nữ CEO.
Ngoài ra, khi còn đương chức, Deborah Dugan nhận được thông tin một nghệ sĩ thu âm nước ngoài cáo buộc ông Neil Portnow - thành viên của Viện Hàn lâm - cưỡng hiếp sau một buổi biểu diễn tại Carnegie Hall.
Phân biệt chủng tộc và giới tính
Vào tháng 3/2018, Viện Hàn lâm thành lập một đội đặc nhiệm để kiểm tra về sự đa dạng và hòa nhập, đặc biệt là sự bình đẳng trong ngành công nghiệp âm nhạc. Đội đặc nhiệm được hỗ trợ bởi Tina Tchen, cựu chánh văn phòng của bà Michelle Obama và là chủ tịch hiện tại của Time Time Up.
Sau quá trình kiểm tra, lực lượng đặc nhiệm đưa ra kết luận có hơn 12.000 thành viên tham gia vào việc bỏ phiếu và trao giải Grammy chủ yếu là nam giới và người da trắng.
Trong đơn tố cáo, bà Dugan chỉ ra những người lãnh đạo Viện Hàn lâm nhiều năm qua chủ yếu là nam giới. Trước Dugan, chỉ có hai người phụ nữ giữ chức vụ cao tại Viện. Tuy nhiên, những người này ít được trọng dụng và phải từ chức không lâu sau đó.
Lỗ hổng trong việc bỏ phiếu
Ngoài những chỉ trích về tư cách của các lãnh đạo, bà Dugan cho biết trong quá trình bỏ phiếu Grammy xảy ra nhiều sai sót do việc xung đột lợi ích của các thành viên trong Viện Hàn lâm.
Theo đơn khiếu nại, hội đồng quản trị được phép chọn các nghệ sĩ để đề cử. Tuy nhiên, các thành viên của hội đồng quản trị đã bí mật chọn những nghệ sĩ mà họ có mối quan hệ cá nhân.
Năm nay có hơn 30 nghệ sĩ không có tên trong danh sách đề cử dù đủ phiếu bầu. Tại lễ trao giải Grammy 2019, Ariana Grande và Ed Sheeran đã bị loại khỏi đề cử hạng mục Bài hát của năm bởi một bài hát đứng thứ 18/20 trong danh mục kết quả bầu chọn. Ở thời điểm đó, ca khúc This Is America của Childish Gambino thắng ở đề cử trên.
Ngoài ra, trong đơn tố cáo, bà Dugan còn chỉ ra nhiều sai phạm tại Viện Hàn lâm Thu âm Hoa Kỳ như vấn đề minh bạch tài chính, xung đột lợi ích giữa các thành viên trong hội đồng...