Cựu Chủ tịch HĐQT TISCO nói gì về tài sản 'khủng'?
Bị cáo Khâm khai nhận, có mảnh đất ở Thái Nguyên vợ bị cáo mua từ năm 2007, sau đó bán đi để làm nhà ở phường Trung Thành (TP Thái Nguyên). 'Tất cả việc đó vợ bị cáo chịu trách nhiệm. Bị cáo đi làm, không biết', bị cáo Khâm nói.
Trong vụ án này, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản của các bị cáo. Trong đó, đối với ông Trần Văn Khâm, cơ quan điều tra đã kê biên 6 nhà, đất nằm rải rác tại Thái Nguyên và Hà Nội.
Cụ thể, năm 2019, kê biên 2 tài sản nhà, đất tại Thái Nguyên; căn hộ tại chung cư 165B Thái Hà (Hà Nội); nhà, đất tại Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội); căn hộ tại khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội).
Năm 2020, kê biên thửa đất diện tích 252 m2 tại Thái Nguyên đứng tên vợ ông Khâm.
Trước khi phiên tòa diễn ra, Luật sư Trần Văn Tạo và Trần Thị Thùy Trang bào chữa cho ông Khâm có đơn đề nghị giải tỏa kê biên 2 lô đất do đã được chuyển nhượng cho người khác trước khi khởi tố vụ án và 1 căn nhà là nơi ở của gia đình ông Khâm với lý do là cả gia đình cùng tạo lập.
Tại tòa chiều 12/4, bị cáo Trần Văn Khâm (cựu Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT TISCO) khai nhận đại diện 46% vốn của Tổng công ty Thép Việt Nam – VNS tại TISCO.
Bị cáo tiếp nhận dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 từ tháng 7/2009. Vì TISCO không có chức năng tính toán chi phí tăng thêm nên đã nhờ Vinainco thực hiện và gửi lại TISCO xem xét. Trên cơ sở tính toán của Vinainco, TISCO đã gửi bảng tính cho VNS, thống nhất dự kiến chi phí tăng thêm 15,7 triệu USD.
Bị cáo có làm tờ trình lên VNS để xin ký phụ lục hợp đồng. Để ký phụ lục hợp đồng phải trải qua nhiều thời gian đàm phán, nhà thầu Trung Quốc MCC có văn bản gửi TISCO đề nghị tăng giá hợp đồng.
Đồng thời TISCO có văn bản gửi VNS và Bộ Công thương xác định, nếu tăng giá hợp đồng thì vượt giá trị theo Thông tư 09/Bộ Xây dựng. Tuy nhiên Thông tư 09 chỉ điều chỉnh giá với phần xây dựng. Việc điều chỉnh tăng thêm vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã đề nghị Chính phủ và các bộ ngành giải quyết đặc cách phạm vi điều chỉnh.
Đề cập đến việc tách hợp đồng, giao phần C cho Vinaincon thực hiện, bị cáo Khâm phân trần, bị cáo suy nghĩ việc này đã được các bên đàm phán nên triển khai thực hiện.
Bị cáo cũng thừa nhận nhà thầu MCC có được hưởng phí quản lý dự án. Vậy tại sao trong hợp đồng ba bên giữa TISCO, Vinaincon và MCC lại xác định nếu dự án chậm tiến độ thì Vinaincon phải chịu trách nhiệm mà MCC thì không? Bị cáo Khâm giải trình, mình là chủ đầu tư lại chuyển cho MCC chắc chắn không quản được chi phí. Tổ chuyên gia đàm phán đã kiến nghị, bị cáo nghĩ là sẽ triển khai theo hướng đó.
Với câu hỏi khi đặt bút ký phụ lục hợp đồng, bị cáo có tìm hiểu Vinaincon không? bị cáo Khâm thừa nhận là không nhưng có văn bản kiểm tra năng lực của Vinaincon.
“Vinaincon không đủ nhân lực để triển khai. Với cương vị của mình, bị cáo đã họp nhiều lần với nhà thầu nhưng bị cáo biết khi đó, Vinaincon đang đảm nhận thêm công trình nên bị phân tán lực lượng. Vinainco đã tạm dừng hợp đồng và trả lại công việc cho TISCO”, bị cáo Khâm khai nhận.
Bị cáo thừa nhận, sau khi Vinainco “rút lui”, TISCO đã ký tiếp 13 hợp đồng với các nhà thầu phụ khác do “sức ép tiến độ”. Việc này có sự đồng ý của VNS và Bộ Công thương.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà thầu phụ khác tiếp tục không thực hiện dự án. “Vì vướng mắc, khó khăn, thiếu nhiều thứ, cả về tài chính nên dự án chậm trễ”, cựu Chủ tịch HĐQT TISCO phân trần.
Trả lời HĐXX về thiệt hại của vụ án thì ai chịu trách nhiệm?, bị cáo nói: “Đây là do những tích tụ từ ban đầu dẫn đến phát sinh chi phí”.
Theo cáo buộc, mặc dù biết rõ hợp đồng EPC số 01 là trọn gói nhưng bị cáo Khâm vẫn ký quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức dự án, ký phụ lục điều chỉnh thống nhất tách hợp đồng, trực tiếp ký hợp đồng ba bên và giao cho Vinaincon không đủ năng lực thực hiện hợp đồng theo đơn giá.
Hành vi trên khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn, không hoàn thành, gây thiệt hại cho TISCO 830 tỷ đồng.