Cựu Chủ tịch Saigon Co.op Diệp Dũng tiếp tục bị đề nghị truy tố
Ông Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TPHCM – Saigon Co.op) vừa bị đề nghị truy tố tội 'Lạm quyền trong khi thi hành công vụ' trong vụ án xảy ra tại Saigon Co.op.
Hôm nay (9/8), Viện KSND TPHCM cho biết, đơn vị này đã nhận được kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung lần 3 của Cơ quan ANĐT Công an TPHCM chuyển sang, đề nghị truy tố ông Diệp Dũng, Tôn Thất Hào (cựu Giám đốc Công ty Đại Á) và Võ Thành Trung (cựu Tổng giám đốc Công ty Đô Thị Mới), cùng tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
6 bị can khác trong vụ án là Hồ Mỹ Hòa (cựu Giám đốc tài chính, Ủy viên HĐQT Saigon Co.op), Nguyễn Thành Nhân (cựu Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Saigon Co.op), Trần Trung Liệt (cựu Kế toán trưởng Saigon Co.op), Hàng Thanh Dân (cựu Trưởng ban Kiểm soát Saigon Co.op), Phạm Thị Minh Ngọc (cựu Trưởng ban Kiểm toán nội bộ Saigon Co.op), Nguyễn Thị Thùy Trang (cựu Trưởng ban Kiểm soát Saigon Co.op), cùng bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Cơ quan ANĐT Công an TPHCM, lần KLĐT bổ sung này, Cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm, đề nghị truy tố ông Diệp Dũng và 8 đồng phạm vì từ kết quả điều tra bổ sung và một số nội dung khác, không ảnh hưởng đến KLĐT trước đây.
Về 3 yêu cầu điều tra bổ sung: Giám định, làm rõ hoạt động giao dịch của một tài khoản ngân hàng của Saigon Co.op; các hợp đồng tín dụng của 4 công ty: Công ty CP Bắc Mỹ An, Công ty TNHH Anh Anh Minh, Công ty TNHH Phước Hùng Anh và Công ty CP Đô Thị Mới và đề nghị giải thích rõ việc Saigon Co.op không có hồ sơ gốc mở tài khoản ngân hàng.
Theo KLĐT bổ sung, Saigon Co.op có mở tài khoản tại 1 ngân hàng ở TPHCM; 1 ngân hàng tại TPHCM cũng ký kết hợp đồng tín dụng ngắn hạn (từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017) với 4 công ty nêu trên. Các hợp đồng này đã được thực hiện xong, các công ty đã trả đủ gốc và lãi từ đầu năm 2017; Ngân hàng liên quan đã không còn lưu giữ hồ sơ, hợp đồng tín dụng trong kho lưu trữ, do đã hết thời hạn lưu trữ trong ngành ngân hàng. Việc ngân hàng và các công ty chưa cung cấp được hồ sơ, hợp đồng tín dụng, hợp đồng hợp tác đầu tư không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án... Do đó, Cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố đối với 9 bị can nêu trên.
Theo nội dung vụ án, từ năm 1999 đến tháng 1/2020, Saigon Co.op có 9 lần tăng vốn điều lệ. Ở lần thứ 9, ông Diệp Dũng chỉ đạo tăng từ 3.200 tỷ đồng lên 6.797 tỷ đồng (tăng thêm 3.597 tỷ đồng, tương ứng 53%). Hành vi này của ông Dũng là chưa đúng quy định của Luật Hợp tác xã, điều lệ tổ chức và hoạt động của Saigon Co.op.
Ngoài ra, vào ngày 19/8/2016, ông Diệp Dũng không thông qua HĐQT mà tự ý lấy 1.000 tỷ đồng từ 3.000 tỷ đồng từ huy động vốn, đặt cọc mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam. Sau đó, ông Dũng tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với 2 công ty với số tiền 1.000 tỷ đồng nêu trên. Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định 7%/năm, sau đó ông Dũng tự ý ký thỏa thuận bổ sung điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận xuống còn 0%/năm, dẫn đến Saigon Co.op thiệt hại gần 116 tỷ đồng.
Ngoài vụ án nêu trên, vào ngày 28/4/2022, ông Diệp Dũng bị TAND TPHCM xét xử kín, tuyên án sơ thẩm phạt 2 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”. Cùng vụ án, ông Nguyễn Hoài Bắc (SN 1984, ngụ quận 2, TPHCM, cựu cán bộ công an) cũng bị phạt 5 năm tù và Lê Thị Phương Hồng (SN 1979, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) 6 năm tù – cùng tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Ông Diệp Dũng sau đó kháng cáo kêu oan bất thành.