Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đủ điều kiện khắc phục hậu quả?

Thực hiện bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC tại phiên tòa, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với thân chủ của mình. Đồng thời cho rằng thân chủ đủ điều kiện khắc phục hậu quả…

Đề nghị xác định lại số lượng bị hại

Theo đó, bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC tại phiên tòa, luật sư Vũ Đặng Hải Yến cho rằng thân chủ của mình luôn thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải.

Luật sư Lê Ngọc Hà bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa.

Luật sư Lê Ngọc Hà bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa.

Tuy nhiên, mức án mà đại diện VKS đề nghị từ 24-26 năm tù cho 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán” là quá nghiêm khắc, không thực sự phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả. Đồng thời chưa xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Từ đó, luật sư Yến đề nghị HĐXX xem xét lại việc xác định thiệt hại, người bị hại trong vụ án. Trong vụ án, có hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu. Trong đó có nhiều người đã bán cổ phiếu, chỉ còn 133 người chưa bán. Luật sư Yến cho rằng, theo quy định tại Điều 62 BLTTHS về người bị hại thì chỉ có 133 người này mới đáp ứng được tiêu chí bị hại.

Trong nhóm hơn 30.000 người mua cổ phiếu ROS ban đầu, tra cứu ngẫu nhiên thì có nhiều người đã bán cổ phiếu và có lãi, đã thu hồi số tiền bỏ ra. Nếu xác định họ là bị hại thì bất hợp lý.

Cũng theo luật sư Yến, có nhiều trường hợp khi CQĐT mời làm việc thì từ chối làm việc hoặc không thể liên hệ. Nhiều trường hợp khẳng định “giá trị cổ phiếu lên xuống, lời lỗ là chuyện bình thường”, “đầu tư mua cổ phiếu là do tự nguyện”, “không yêu cầu bồi thường"… Từ đó, luật sư Yến đề nghị HĐXX xác định người bị hại ở hành vi lừa đảo là 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện vẫn còn đang sở hữu cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, luật sư Yến cho rằng khoản tiền bị cáo Trịnh Văn Quyết nộp khắc phục hậu quả vụ án đủ để hoàn trả lại cho các bị hại này. Như vậy, ngoại trừ thiệt hại của nhóm 133 nhà đầu tư, không thể xác định số tiền thiệt hại đối với các nhà đầu tư còn lại. Luật sư Yến cũng đề nghị HĐXX xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết tương tự vụ án Tân Hoàng Minh.

Quang cảnh phiên tòa.

Quang cảnh phiên tòa.

Xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Cùng bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa, luật sư Trần Nam Long đề nghị HĐXX xem xét đối trừ trực tiếp phần giảm giá trị cổ phiếu đang bị phong tỏa (giá trị thất thoát tính từ khi phong tỏa đến nay) vào số tiền hưởng lợi của bị cáo này.

Đồng thời đề nghị HĐXX cho phép bị cáo Quyết thông qua luật sư và gia đình chủ động tìm kiếm nhà đầu tư để bán tài sản là cổ phiếu để nộp phần giá trị còn lại của số tiền hưởng lợi trong thời gian sớm nhất để giảm thiểu tình trạng mất giá.

Là luật sư thứ 3 bào chữa cho bị cáo Quyết, luật sư Lê Ngọc Hà nêu quan điểm thân chủ của mình có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt và có Đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định); Công văn số 168/UBND ngày 19/07/2024 của UBND xã Hồng Thủy (huyện Lê Thủy, tỉnh Quảng Bình)… ghi nhận những cống hiến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương của các dự án do bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Đồng thời thiết tha đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt thấu tình đạt lý

Sau cùng, luật sư Hà mong HĐXX áp dụng tính khoan hồng và nhân đạo đối với người phạm tội đã biết ăn năn hối cải, biết sám hối và quay đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như thân chủ của ông.

Nguyên Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cuu-chu-tich-tap-doan-flc-du-dieu-kien-khac-phuc-hau-qua.html