Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị tuyên phạt 6 năm tù

Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị tòa tuyên án 6 năm tù tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí'. Nhóm thuộc cấp của ông người nhận án thấp nhất từ 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất đến 5 năm tù giam.

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, chiều 21/1, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương án 6 năm tù tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cùng tội, các bị cáo: Nguyễn Ngọc, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh, lĩnh 30 tháng tù; Nguyễn Văn Phong, cựu Giám đốc Sở Tài chính, 4 năm tù; Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở TN&MT, lĩnh 5 năm tù; Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, 4 năm tù; Nguyễn Xuân Phong, cựu Phó cục trưởng Cục Thuế, 30 tháng tù; Đỗ Ngọc Điệp, cựu Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, 30 tháng tù; Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT, lĩnh 24 tháng tù.

Các bị cáo còn lại, gồm: Nguyễn Thanh Cho, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai; Lê Nam Hưng, cựu Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai; Phạm Duy Cường, cựu Trưởng phòng Kinh tế đất; Lê Anh Huy, cựu chuyên viên Phòng Kinh tế đất; Lê Quang Vinh, cựu Bí thư Huyện ủy Phú Quý; Huỳnh Lương Thiện, cựu chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Công ty Thẩm định giá Miền Nam; Trương Văn Ri, Phó tổng giám đốc Công ty Thẩm định giá Miền Nam; Hồ Như Hải, Phó giám đốc Công ty Thẩm định giá Miền Nam chi nhánh Bình Thuận, bị phạt từ 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù giam.

Khi tuyên án, HĐXX đánh giá các bị cáo là cán bộ lãnh đạo sở ban ngành của tỉnh Bình Thuận, nhận thức rõ được nội dung cần xác định khi định giá đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, cộng đồng và nhà đầu tư. Tuy nhiên, các bị cáo đều đồng thuận với giá sai quy định do đơn vị thẩm định đưa ra.

Đây là hành vi phạm tội giản đơn, trách nhiệm chính thuộc về các bị cáo trực tiếp có trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước.

Về dân sự, hậu quả vụ án được xác định là 308 tỷ đồng. Đây là tiền lẽ ra chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông phải nộp cho tỉnh Bình Thuận nhưng do sai phạm của các bị cáo mà chưa phải nộp. Vì vậy, Công ty Cổ phần Rạng Đông cần nộp lại.

Tòa ghi nhận Công ty Cổ phần Rạng Đông, Công ty khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và gia đình các bị cáo đã nộp đủ số tiền này, do đó cần trả lại cho tỉnh Bình Thuận. UBND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền đúng quy định pháp luật.

Do hậu quả vụ án đã được khắc phục, toàn bộ tài sản bị kê biên, ngăn chặn của các bị cáo cũng được giải tỏa.

Tại tòa, Công ty Rạng Đông, UBND tỉnh Bình Thuận cũng xin HĐXX xét đóng góp của nhóm bị cáo trong công tác và hậu quả vụ án đã được khắc phục, để giảm nhẹ án phạt.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Chủ đầu tư cam kết cùng khắc phục hậu quả

Hồ sơ vụ án thể hiện, dự án sân golf Phan Thiết, được tỉnh Bình Thuận cấp phép cho một công ty Hong Kong vào năm 1993.

Năm 2013, Công ty cổ phần Rạng Đông mua lại 100% với giá 2,5 triệu USD. Rạng Đông sau đó đề nghị chính quyền tỉnh xin chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị.

Do việc chuyển đổi này "có tính chất nhạy cảm, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, lợi ích của số đông nhân dân", nên cựu Chủ tịch Lê Tiến Phương tổ chức họp UBND tỉnh.

Tháng 3/2014, ông Phương ký công văn báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy, đề nghị xem xét đề nghị của Rạng Đông. Sau khi "phân tích kỹ, cân nhắc thấu đáo, đánh giá mọi mặt và đi đến thống nhất cao", tỉnh chấp thuận việc chuyển đổi này.

Thủ tướng sau đó chấp thuận đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam để đầu tư xây dựng khu đô thị.

Quá trình triển khai dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, ông Phương trực tiếp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Phan Thiết. Ông cũng trực tiếp cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tỷ lệ 1/500; phê duyệt cho chuyển mục đích sử dụng đất sân golf sang đất ở đô thị cho dự án này.

Theo quyết định do ông Phương ký, 620.000 m2 đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao được chuyển thành 363.000 m2 đất ở đô thị và 257.000 m2 đất công trình công cộng.

Cơ quan truy tố cho rằng ông Phương biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; được Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo đầy đủ nhưng vẫn nhất trí với phương án giá đất được xây dựng không đúng cơ sở, "cào bằng" giá đất nhà cao tầng với đất biệt thự, nhà liền kề.

Từ đó, ông Phương ký duyệt giá đất tại dự án với giá 2,577 triệu đồng/m2, là trái với Luật Đất đai và quy định khác.

Các bị cáo còn lại là cựu cán bộ tỉnh bị cáo buộc vai trò đồng phạm "cố ý làm trái nhiệm vụ" khi xây dựng giá đất; sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch; tính chung giá đất nhà cao tầng như đất biệt thự, sai nguyên tắc của phương pháp thặng dư.

Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận giá trị quyền sử dụng đất là 1.574 tỷ đồng. Thực tế, Công ty Rạng Đông chỉ nộp gần 957 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch do đó là 617 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhận thấy ngoài sai phạm của các bị cáo, còn có 3 chỉ tiêu: tốc độ tăng giá, thời gian bán hàng và tỷ lệ bán hàng hằng năm, là nguyên nhân dẫn đến số tiền chênh lệch này. Bộ Công an làm việc với đơn vị tư vấn thẩm định giá, kết luận, 3 chỉ tiêu trên dẫn đến sự chênh lệch số tiền là 308 tỷ đồng và đây là con số thiệt hại.

Do các yếu tố giả định trong phương án giá đất của các Hội đồng định giá khác nhau, không phải là hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Vì thế theo cơ quan truy tố không có căn cứ buộc các bị cáo khắc phục.

Viện kiểm sát kiến nghị tỉnh Bình Thuận làm việc với chủ đầu tư dự án để giải quyết theo quy định pháp luật. Hiện UBND tỉnh đã tạm dừng giao dịch đối với quyền sử dụng các lô đất ở đô thị tại dự án này.

Công ty Rạng Đông là chủ đầu tư dự án, cam kết sẽ tham gia khắc phục hậu quả, nộp bổ sung số tiền sử dụng đất tại dự án.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuu-chu-tich-ubnd-tinh-binh-thuan-bi-tuyen-phat-6-nam-tu-post1711272.tpo