Nhập lậu cả trứng cá, hàu giống, heo thải giá rẻ…về Việt Nam tiêu thụ

Dù lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, bắt giữ liên tục nhưng tình hình nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật vẫn không giảm.

Chiều 21-1, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị Phòng, chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật.

Trâu, bò giá rẻ vào Việt Nam

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết thời gian qua, ngành chăn nuôi của ta đã từng bước phát triển theo hướng công nghiệp, cơ bản đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm của gần 100 triệu dân và 10 triệu khách du lịch hàng năm. Sản phẩm chăn nuôi cũng đang từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho hay, thời gian qua công tác buôn lậu vẫn còn nhức nhối, phức tạp. Theo ông Đăng, năm 2024, khi Cục cùng đoàn công tác kiểm tra tại tỉnh Cao Bằng đã phát hiện gà, vịt con bán tại chợ không có nguồn gốc, tình trạng buôn bán công khai nhưng không có ai kiểm soát.

 Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị Phòng, chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật. Ảnh: AH

Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị Phòng, chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật. Ảnh: AH

Cục này cũng làm việc tại TP.Móng Cái, ghi nhận trong 8 tháng đầu năm 2024, phát hiện 12 vụ vận chuyển gia cầm giống với hơn 156 ngàn con gà, vịt con; hai vụ động vật cảnh với gần 1.500 con rùa cảnh, cá cảnh…

“Chúng tôi kiến nghị những ngày giáp Tết Nguyên đán 2025 cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng này” – ông Đăng nêu ý kiến.

Tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường – C05 (Bộ Công an) cũng xác nhận dù các lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, bắt giữ liên tục nhưng tình hình vẫn không giảm.

Đại diện C05 chỉ ra thủ đoạn hoạt động buôn lậu trên các tuyến, như ở Móng Cái, các đối tượng chủ yếu nhập lậu thủy sản, cá, trứng cá, hàu giống, gia cầm, gia súc… để đi tiêu thụ khắp nơi.

Tuyến miền Trung - Tây Nguyên, công an bắt nhiều vụ về buôn lậu cá tầm. Tuyến miền Nam, trâu bò ở các nước với giá rất rẻ được lùa qua biên giới, sau đó xe chở ra bắc tiêu thụ. Heo thải của Thái Lan, heo dịch… được đem về gom ở biên giới Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, sau đó xe tải chở vào Việt Nam.

“Đối tượng là các chủ doanh nghiệp, đầu nậu không đăng ký kinh doanh, kể cả người dẫn đường, canh đường, cửu vạn, bảo kê tiếp tay, xe vận tải hạng nặng cũng tham gia, chở qua lại biên giới thoải mái. Tình trạng buôn lậu động vật, sản phẩm động vật gây hậu quả lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam” - đại diện C05 nói.

Kiểm soát chặt các sản phẩm động vật nhập khẩu vào Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết năm 2024 Cục Thú y đã tổ chức kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, như dịch cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, bệnh dại…

Về kiểm soát sản phẩm động vật, động vật, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho hay đã rà soát, sửa đổi ban hành thông tư 04/2024. Đồng thời Cục cũng đánh giá nghiêm ngặt, xem xét kĩ lưỡng các sản phẩm động vật của các nước muốn xuất khẩu sang Việt Nam trước khi cho phép nhập khẩu.

“Tất cả sản phẩm đã từng xuất khẩu vào Việt Nam của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trong những năm trước, chúng tôi cũng tiến hành rà soát lại toàn bộ các điều kiện, yêu cầu, quy định xem có phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và quy định quốc tế hiện nay hay không” - ông Long thông tin.

Đồng thời, Cục Thú y cũng chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch cửa khẩu làm việc nghiêm túc, xử lý nghiêm cả với những lỗi nhỏ đối với động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.

Theo đó, năm 2024, Cục Thú y và các đơn vị đã ban hành 400 quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, xử phạt trên 27 tỉ đồng, gấp 8-9 lần so với các năm trước, cao kỉ lục từ trước đến nay.

Cục Thú y cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để ngăn chặn buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép động vật, sản phẩm động vật. Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y, năm 2024, các cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y đã phối hợp với địa phương xử lý 229 vụ vi phạm với trên 1,2 triệu con động vật; gần 100 ngàn trứng gia cầm; gần 300 tấn sản phẩm động vật.

“Chúng ta thấy dù có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT, cơ quan Công an… nhưng tình trạng nhập lậu trái phép sản phẩm động vật, động vật vẫn diễn ra khá phổ biến…

Chúng tôi đề xuất Cục Chăn nuôi, các cơ quan quản lý ở địa phương cần kiểm soát tổng đàn vật nuôi ở các địa bàn. Vì hiện nay không có kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh, dẫn đến chỉ trong thời gian ngắn, động vật từ biên giới vào sâu nội địa có thể hợp thức hóa và di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, sẽ rất khó khăn trong kiểm soát. Một số địa phương đã xảy ra tình trạng này” - ông Long đề nghị.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhap-lau-ca-trung-ca-hau-giong-heo-thai-gia-reve-viet-nam-tieu-thu-post831211.html