Cựu Chủ tịch VEC bị tuyên án cao hơn đề nghị của Viện kiểm sát
Với cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để xảy ra sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bị cáo Mai Anh Tuấn (Cựu Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc VEC) bị tòa tuyên phạt 42 tháng tù, mức án này cao hơn so với đề nghị của Viện kiểm sát nêu trong phần luận tội.
Buộc các nhà thầu phải bồi thường thiệt hại
Sáng 27/10, sau gần nửa tháng xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trần Văn Tám 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng"; 2 năm 6 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng." Tổng hợp hình phạt chung, ông Tám phải chịu là 5 năm 6 tháng tù giam.
Cùng vụ án, cựu Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc VEC Mai Anh Tuấn bị phạt 42 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Mức án này cao hơn so với Viện kiểm sát đề nghị 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo ở phần luận tội trước đó.
Riêng hai cựu Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng lĩnh thêm 4 năm tù, Lê Quang Hào thêm 2 năm tù. Tổng hợp với bản án ở giai đoạn 1, bị cáo Hùng chịu 11 năm, Hào chịu 8 năm tù.
18 bị cáo còn lại là cán bộ quản lý nhà thầu; quản lý tư vấn giám sát bị phạt từ 2 năm nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù giam.
Về dân sự, tòa buộc 4 nhà thầu, gồm: Tập đoàn Giang Tô; Tập đoàn Lotte; Tập đoàn Posco; Công ty Sơn Đông, cùng bồi thường số tiền thiệt hại hơn 460 tỷ đồng.
Để đảm bảo công tác thi hành án, HĐXX tiếp tục kê biên một số tài là nhà đất; phong tỏa một số tài khoản chứng khoán; tài khoản ngân hàng của bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Tám, cùng hơn 10 người khác.
Các bị cáo làm công ăn lương, không vụ lợi
HĐXX nhận định, VEC là công ty 100% vốn nhà nước do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản. Đơn vị này được giao làm chủ đầu tư Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, là công trình trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài gần 140km.
Tuy nhiên, sau khi thi công hoàn thiện đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, mất an toàn giao thông và gây bức xúc trong nhân dân.
Các vi phạm tại giai đoạn 1 dài 65km (từ Đà Nẵng - TP Tam Kỳ) gây thiệt hại 881 tỷ đồng. 36 bị cáo liên quan đã bị đưa ra xét xử.
Ở giai đoạn 2 dài 74km (từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi), HĐXX nhận định dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và do Tổ chức tư vấn CDM Smith Inc của Mỹ thực hiện giám sát thi công.
22 bị cáo trong vụ án bị quy kết trong quá trình xây dựng đã cùng nhiều người khác không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế, thi công...Sai phạm của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào vận hành giai đoạn 2 dài 74km và sau đó hư hỏng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.
"Hành vi của các bị cáo là gây nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế chính đáng của nhà nước. Vì vậy, đưa các bị cáo ra xét xử là phù hợp với quy định pháp luật", HĐXX đánh giá.
Về trách nhiệm sai phạm tại dự án, HĐXX cho rằng, đầu tiên thuộc về các bị cáo của nhà thầu thi công, thứ hai là bị cáo tại đơn vị tư vấn giám sát, mới đến các bị cáo khác...
Xét hồ sơ vụ án cũng như quá trình tranh tụng tại tòa, HĐXX nhận thấy 22 bị cáo đều là những người làm công ăn lương, không có động cơ vụ lợi. Dự án có sai sót do họ nóng lòng thực hiện để kịp tiến độ nghiệm thu. Đến nay, tuyến đường đã hoạt động, nhà thầu thu được một phần chi phí. Do đó, cần áp dụng hình phạt nhẹ hơn, tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội tiếp tục cống hiến cho xã hội.