Cựu Cố vấn An ninh Mỹ cáo buộc Nga đứng sau các cuộc biểu tình bạo loạn
Trong buổi trả lời phỏng vấn trên kênh CNN hôm 31-5, bà Susan Rice, Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng, Nga hoàn toàn có thể đứng sau các cuộc biểu tình bạo loạn đang diễn ra ở nước Mỹ.
"Bạn đoán đúng rồi. Tôi cá rằng đây là một trong những kịch bản của Nga", bà Susan Rice nói, đồng thời cáo buộc Matxcơva đang "cố gắng làm tan rã nước Mỹ từ bên trong".
"Tôi không ngạc nhiên khi biết rằng họ (Nga) tài trợ nó (những cuộc biểu tình) theo một cách nào đó”, bà Rice nêu rõ.
Sau đó, Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho biết thêm, bà hiện không là người được đọc những thông tin tình báo trong những ngày này. Do đó, về cơ bản, bà đưa ra những nhận xét này là từ quan điểm cá nhân.
Đồng quan điểm với bà Susan Rice, cựu Thị trưởng New Orleans Marc Morial cũng nói với CNN hôm 30-5-2020 rằng, các "điệp viên Nga" đang gây ra bạo loạn. Ông đã đăng tải một loạt các dòng tweet trên Twitter, tuyên bố bất ổn hiện nay ở Mỹ nằm trong kế hoạch tổng thể của Nga.
Sau khi những thông tin này đưa ra, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích lý thuyết chống Nga của một bộ phận truyền thông Mỹ.
"Lại nữa rồi. Lại tin tức giả mạo đổ lỗi cho Nga. Họ là những kẻ thua cuộc với xếp hạng rất tệ", ông Trump nói.
Cùng ngày, Tổng thống Trump đã đổ lỗi cho các chiến binh cánh tả "Antifa" (Anti-Fascist Action - hành động chống phát-xít) gây ra các cuộc biểu tình chống cảnh sát gần đây, và gọi đây là hành động của các tổ chức khủng bố Hồi giáo. Ông Trump đồng thời nhấn mạnh, các nhóm cực tả phải chịu trách nhiệm về phần lớn những cuộc biểu tình bạo lực trên khắp đất nước hiện nay.
Biểu tình được châm ngòi bởi sự phẫn nộ về cái chết của George Floyd, công dân Mỹ da đen, vào ngày 25-5. Ông bị cảnh sát thành phố Minneapolis ghì đầu gối lên cổ trong thời gian dài, dẫn đến thiệt mạng.
Cái chết của George Floyd kéo theo làn sóng phẫn nộ chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Hàng chục nghìn người trên khắp nước Mỹ tiếp tục xuống đường biểu tình hôm 31-5. Những cuộc biểu tình ôn hòa nhanh chóng bị lu mờ bởi tình trạng bất ổn trên các thành phố từ Pennsylvania đến California.
Nhiều bang và thành phố ở Mỹ đã phải điều hàng nghìn binh sĩ Vệ binh Quốc gia, ban hành lệnh giới nghiêm ngặt và đóng cửa các hệ thống giao thông công cộng, nhưng không ngăn được tình trạng bất ổn do biểu tình.