Cựu cố vấn ông Abe: Lịch sử sẽ còn nhớ về cố thủ tướng
Trao đổi với Zing, ông Tomohiko Taniguchi tin rằng cố Thủ tướng Shinzo Abe là một 'chính trị gia toàn cầu', có tầm ảnh hưởng ở cả trong nước và quốc tế.
“Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng cố Thủ tướng Abe xứng đáng có một lễ quốc tang”. Đó là chia sẻ của giáo sư Tomohiko Taniguchi, cựu cố vấn đặc biệt kiêm người phụ trách diễn văn chính sách đối ngoại cho ông Abe, khi nói về tang lễ cấp quốc gia cho cố thủ tướng - lần thứ 2 Nhật Bản tổ chức quốc tang dành cho một vị thủ tướng kể từ Thế chiến II.
Vị giáo sư cho biết ông vẫn nhớ những nghi lễ dành tặng cho cố Thủ tướng Shigeru Yoshida vào năm 1967, và cảm thấy xứng đáng khi cố Thủ tướng Abe cũng sẽ nhận điều tương tự.
"19 phát đạn từ pháo binh là điều đáng nhớ nhất (trong quốc tang ông Yoshida - PV)", ông nói, mong lễ tang ông Abe sẽ có nghi thức từ đội bay nhào lộn Blue Impulse.
Lễ quốc tang có sự tham gia của hàng loạt nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và đại diện lãnh đạo các nước, gồm Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, thủ tướng Australia, Ấn Độ và Singapore,...
Nhật Bản huy động hàng chục nghìn cảnh sát - trong đó có khoảng 2.500 người được điều động tới Tokyo - để giám sát an ninh, theo Reuters.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn ngoại giao Việt Nam cũng đã đến Tokyo, Nhật Bản để dự lễ quốc tang ông Abe trong các ngày 25-28/9, với khoảng 6.000 người tham dự, theo TTXVN.
Theo kế hoạch, chính phủ Nhật Bản chi khoảng 1,65 tỷ yen (khoảng 11,5 triệu USD) cho lễ quốc tang, gồm 800 triệu yen cho chi phí an ninh và 600 triệu yen để tiếp các đoàn khách nước ngoài.
Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của sự kiện cũng như tầm ảnh hưởng của ông Abe trong chính trường cả ở trong nước và quốc tế.
“Lịch sử sẽ nhớ về ông ấy không chỉ vì ông là thủ tướng tại vị lâu nhất, mà còn vì ông là người đạt nhiều thành tựu cả trong nước và quốc tế”, giáo sư Taniguchi nhận định với Zing khi nói về cố thủ tướng.
Thành tựu cả trong nước và quốc tế
Phân tích sâu hơn về những thành tựu của ông Abe, giáo sư Taniguchi đề cập ông Abe luôn nỗ lực thúc đẩy Nhật Bản phát triển đa phương diện, từ kinh tế, quốc phòng, đến ngoại giao.
Về mặt kinh tế, giáo sư tin cố thủ tướng hiểu rằng nếu không có tăng trưởng, sẽ không có quyền lực, quân sự, ngoại giao và nhiều yếu tố khác cho Nhật Bản.
Về quốc phòng, tận dụng thành quả mà tăng trưởng kinh tế mang lại, ông Abe bắt đầu tăng ngân sách quốc phòng. “Cố thủ tướng cũng hiểu rằng chỉ khi duy trì một vùng biển và vùng trời tự do, rộng mở, dựa trên luật lệ, Nhật Bản mới có thể tiến xa”, vị giáo sư cho biết.
Về đối ngoại, “ông đã đưa Nhật Bản xích lại gần các quốc gia mạnh về hàng hải, tuân thủ luật lệ, như Australia hay Ấn Độ, bên cạnh đồng minh lâu đời là Mỹ - quốc gia mà chính quyền ông Abe xây dựng mối quan hệ bền chặt nhất”, ông Taniguchi nói.
Bên cạnh đó, cố thủ tướng cũng liên tiếp chiến thắng trong các cuộc bầu cử lớn, và “cứ mỗi chiến thắng như vậy lại làm tăng thêm ảnh hưởng chính trị, điều mà các đồng nghiệp của ông trong khối G7 cũng phải ngưỡng mộ”.
Theo giáo sư Taniguchi, cố thủ tướng được các đồng nghiệp quốc tế tôn trọng như một người bảo vệ cho một trật tự quốc tế tự do và rộng mở. Việc xây dựng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện nay là CPTPP, cùng Quan hệ đối tác kinh tế - chiến lược Nhật Bản - EU là minh chứng cho danh tiếng của ông.
Từ những phân tích trên, ông Taniguchi kết luận “không ai trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản có ảnh hưởng như ông Abe, vì ông là người đặt ra nhiều cơ chế đối thoại kinh tế, chính trị quốc tế”.
Vị chính khách toàn cầu
Nói về mối quan hệ Việt - Nhật cũng như vị trí của Việt Nam trong các chính sách của cố thủ tướng và của các chính phủ Nhật Bản mới, ông Taniguchi nói rằng cố Thủ tướng Abe “luôn tìm kiếm những cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam bất cứ khi nào có thể”.
Giải thích về nhận định trên, vị cựu cố vấn của ông Abe phân tích Việt Nam có vị trí quan trọng, “có thể biến đất nước trở thành một cường quốc trung tâm và then chốt tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
“Đường bờ biển dài cũng mang lại cho quốc gia một bản sắc về hàng hải. Không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản chú trọng xây dựng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Tôi vui mừng khi hai nước đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc để tăng cường năng lực bảo vệ bờ biển, kiến thức về luật biển, và hợp tác quốc phòng”, ông nói.
Ông cho rằng quan hệ Việt - Nhật có thể phát triển hơn nữa dựa trên tình hữu nghị và sự tin tưởng.
Trước đó, trong một buổi trao đổi khác với Zing vài ngày sau khi ông Abe qua đời, vị giáo sư cho biết nhiều người tại Nhật Bản, bao gồm cả ông, xúc động bởi sự đồng cảm và chia sẻ từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. “Tình cảm của những người Việt Nam đã chạm đến trái tim chúng tôi”, ông nói.
“Hiện tại, ngày càng có nhiều người trẻ ở Việt Nam đến học tập và làm việc tại Nhật Bản. Đó là những người đang gieo mầm cho tương lai mối quan hệ Việt - Nhật. Tôi nghĩ sự gắn kết giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản sẽ phát triển hơn nữa dựa trên sự hữu nghị và tin cậy lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ này chỉ có chiều hướng đi lên”, vị giáo sư nói khi ấy.
Không chỉ với Việt Nam, ông Abe đã thành công trong việc tăng cường ngoại giao và giành được tình cảm cũng như sự tin tưởng từ nhiều lãnh đạo ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, châu Phi và châu Âu.
“Tôi nhớ mỗi lần ông Abe phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, có một hàng dài xếp bên ngoài hội trường trung tâm, hầu hết là các nhà ngoại giao châu Phi, đang chờ để được gặp và bắt tay với ông ấy”, ông Taniguchi kể lại.
Các chuyến công du của ông Abe đến 80 quốc gia đã giúp ông được công nhận là một “chính khách toàn cầu”, ông cho biết.