Cựu cố vấn ông Abe: Tình cảm của người Việt chạm đến trái tim
Cựu cố vấn đặc biệt cho cố Thủ tướng Shinzo Abe nói sự ra đi đột ngột của ông Abe để lại một khoảng trống lớn trong lòng mà có thể mất nhiều năm để lấp đầy.
Trao đổi với Zing, giáo sư Tomohiko Taniguchi, cựu cố vấn đặc biệt kiêm người phụ trách diễn văn chính sách đối ngoại cho ông Abe, nói sự ra đi đột ngột của cựu thủ tướng đã để lại khoảng trống lớn trong lòng ông sau một thời gian dài gắn bó khi công tác ở chính phủ.
Ông Taniguchi cũng chia sẻ bản thân đã rất xúc động khi nhận được sự đồng cảm và chia sẻ từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông cho rằng quan hệ Việt - Nhật có thể phát triển hơn nữa dựa trên tình hữu nghị và sự tin tưởng.
- Bốn ngày trôi qua kể từ khi ông Abe bị ám sát, và sau lễ tang của cố thủ tướng ngày 12/7, cảm xúc của ông lúc này thế nào?
- Tôi đã gặp vợ ông Abe, phu nhân Akie, từ hôm 9/7. Hôm nay phu nhân khóc rất nhiều và dường như không thể tin vào thực tế rằng người chồng yêu quý đột ngột ra đi.
Với cá nhân tôi, được làm việc với ông Shinzo Abe dưới tư cách phụ trách diễn văn chính sách đối ngoại là một vinh dự lớn lao. Trong thời gian đó, tôi đã hình thành một thói quen là luôn cố hiểu xem ông Abe đang nghĩ gì, chẳng hạn điều gì khiến ông ấy chú ý? Ông ấy quan tâm đến vấn đề gì? Tôi luôn nghĩ về điều đó mỗi khi thức dậy hay chuẩn bị đi ngủ.
Lúc này, tôi cảm thấy một sự trống rỗng, và có thể sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để lấp đầy khoảng trống này - điều về cơ bản là không thể.
- Nhiều người Việt Nam bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của ông Abe, cho rằng Việt Nam đã mất đi một người bạn lớn - người góp phần củng cố vững chắc cho quan hệ song phương.
Làm thế nào để người dân hai nước có thể tiếp tục di sản của ông Abe dựa trên nền tảng đó?
- Phải nói rằng nhiều người tại Nhật Bản, bao gồm cả tôi, xúc động bởi sự đồng cảm và chia sẻ từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tình cảm của những người Việt Nam đã chạm đến trái tim chúng tôi.
Hiện tại, ngày càng có nhiều người trẻ ở Việt Nam đến học tập và làm việc tại Nhật Bản. Đó là những người đang gieo mầm cho tương lai mối quan hệ Việt - Nhật. Tôi nghĩ sự gắn kết giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản sẽ phát triển hơn nữa dựa trên sự hữu nghị và tin cậy lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ này chỉ có chiều hướng đi lên.
Nền móng chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Trong thời gian làm việc cùng ông Abe, điểm nào trong chính sách của ông Abe khiến ông chú ý nhất?
- Ông ấy đã xây dựng năng lực kinh tế và quân sự, nhưng không thực hiện điều đó một mình, mà hợp tác với các nước cùng chí hướng.
Chẳng hạn bên cạnh ứng phó với Bắc Kinh, chúng tôi nhận thức rằng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có sự kết nối với nền kinh tế Trung Quốc. Do vậy, ông Abe đã tỉ mỉ trong việc cân bằng chính sách với Bắc Kinh. Nhưng để làm được điều đó, ông cho rằng Nhật Bản cần phải hợp tác chặt chẽ với các quốc gia biển có cùng chí hướng, cũng như những đồng minh lâu đời như Mỹ, Australia và Ấn Độ.
Trong các quốc gia ASEAN, Singapore, Việt Nam và Indonesia là 3 nước tôi nghĩ ông Shinzo Abe đặc biệt quan tâm. Những chính sách được cụ thể hóa và rõ ràng với mỗi trường hợp.
Một trong số đó có thể kể đến lập trường của cựu thủ tướng trong tuyên bố ở Đối thoại Shangri-La ở Singapore (năm 2014 - PV). Ông Abe khi đó đã làm rõ những mục tiêu cần thực hiện, nói rằng phải tôn trọng pháp quyền khi giải quyết bất kỳ tranh chấp trên biển. Tôi cho rằng ông Abe đã đặt rất nhiều quyết tâm để thực hiện những điều trên.
- Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong nhiệm kỳ cựu Thủ tướng Abe? Tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản và ngược lại?
- Để có thể vươn cao và vững chắc, dĩ nhiên Việt Nam cần xây dựng quan hệ tốt đẹp và bền chặt với những quốc gia mà Việt Nam có thể tin tưởng, và Nhật Bản có thể là quốc gia như vậy. Tôi khá chắc ông Abe đã có suy nghĩ như thế và ông còn cho rằng Việt Nam - Nhật Bản cần hợp tác với nhau. Trong bối cảnh ấy, các cơ quan chính phủ Nhật Bản đã tiếp cận các đối tác Việt Nam.
Trong thời gian qua, tôi hiểu rằng hai bên đã phối hợp nâng cao năng lực của Việt Nam trên không gian biển - như lực lượng cảnh sát biển… Tôi nghĩ rằng đây là hoạt động hợp tác rất có ý nghĩa giữa hai quốc gia. Tôi hy vọng rằng các hoạt động hợp tác sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai.
- Một trong những di sản của cựu Thủ tướng Abe là việc ông đã thúc đẩy khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản đánh giá thế nào về vai trò của ASEAN?
- Châu Á, trong đó bao gồm các nước ASEAN, được kết nối với nhau bằng biển cả. Và “biển cả” ở đây có nghĩa bao gồm cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Ông Abe nằm trong số những người đầu tiên sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, thay vì chỉ là “châu Á - Thái Bình Dương”. Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tính chất chỉ vùng biển hơn là vùng đất liền.
(Trong khuôn khổ khái niệm ấy), tính trung tâm của ASEAN đóng vai trò then chốt, đặc biệt là các nước có đường bờ biển dài như Việt Nam sẽ rất quan trọng vì họ sẽ đánh giá cao tính kết nối đường biển của mình.
Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như ông Abe thúc đẩy sẽ không thể thành hình nếu như ông không suy nghĩ nhiều về Việt Nam, cũng như nếu ông không hy vọng vào sự hợp tác nhiều hơn giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thúc đẩy hợp tác song phương
- Ông đánh giá quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển ra sao trong những năm qua, ví dụ trên các lĩnh vực như hợp tác Covid-19, hợp tác nhân lực…?
- Người dân Việt Nam nên cảm thấy tự hào vì Việt Nam luôn quan tâm tới việc xây dựng các thỏa thuận đa phương. Chúng ta đều biết rằng Việt Nam là thành viên ban đầu của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được xây dựng dựa trên sự phát triển thực chất trên lĩnh vực kinh tế. Hợp tác song phương cũng đã đạt được đà tiến khi hai nước cùng xây dựng năng lực hải quân và tuần duyên.
Sự hợp tác sâu đậm này phải được phát triển ở các phương diện khác như chia sẻ thông tin và trao đổi về các vấn đề khu vực. Đó là những khu vực hai chính quyền có thể hợp tác cùng nhau nhiều hơn.
Tôi cũng sẽ không nghi ngờ triển vọng hợp tác song phương trên phương diện giao lưu nhân dân, vì ngay từ bây giờ đã có sự quan tâm ngày càng lớn từ phía Việt Nam. Không trường đại học hay cơ sở đào tạo cấp cao nào (của Nhật Bản) có thể phát triển mà không tiếp nhận thêm nhiều sinh viên từ Việt Nam.
Trên đây là những lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng hơn nhiều mức chúng ta vẫn nghĩ.
- Theo ông, đâu là các lĩnh vực chúng ta nên chú trọng hợp tác trong tương lai?
- Tôi hy vọng định hướng ngoại giao của Thủ tướng Fumio Kishida trong tương lai không quá khác biệt so với đường lối mà ông Shinzo Abe theo đuổi. Nhắc đến quan hệ Việt - Nhật, điều đầu tiên tôi muốn nói là các quan chức hai bên cần trao đổi quan điểm và ý kiến sâu rộng hơn.
Cả bạn và tôi đều biết rằng các quan chức trong chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã gặp nhau thường xuyên hơn rất nhiều.
Tôi muốn nói với người dân ở cả Việt Nam và Nhật Bản rằng chúng ta cần hình thành thói quen luôn trao đổi với nhau, gặp gỡ nhau, luôn nghĩ đến đối tác, cũng như luôn tự nhắc nhở bản thân về sự cần thiết của việc đối thoại.
Giáo sư Tomohiko Taniguchi từng làm việc tại Nikkei Business trong 20 năm, sau đó gia nhập Bộ Ngoại giao vào năm 2005. Khi làm việc tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 2/2013-2/2014, một trong những nhiệm vụ của ông gồm viết những bài phát biểu chính sách đối ngoại cho ông Shinzo Abe.
Ông giữ vị trí cố vấn đặc biệt nội các của ông Abe cho đến khi vị thủ tướng rời chức vụ vào tháng 9/2020. Ông Taniguchi là thành viên phái đoàn cấp cao của Nhật Bản khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 1/2017.