Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự mong có nơi ở sau khi được ra tù
Sáng 19/7, phiên tòa xét xử vụ 'chuyến bay giải cứu'tiếp tục với lời bào chữa của các bị cáo và luật sư bảo vệ quyền và lợ ích hợp pháp cho các bị cáo. Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao) mong được giải tỏa kê biên căn hộ tại quận Nam Từ Liêm để gia đình bị cáo có nơi sinh sống và bị cáo có nơi để quay về sau khi ra tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan bị cáo buộc đã nhận hối lộ số tiền hơn 25 tỷ đồng và đã khắc phục được số tiền 900 triệu đồng. Bị cáo Lan nhận hối lộ số tiền nhiều thứ 3 trong số 21 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối hộ.
Bị cáo Lan cùng các bị cáo thuộc Cục Lãnh sự được cơ quan tố tụng xác định tạo thành nhóm lợi ích, gây khó khăn nhũng nhiễu, không minh bạch, buộc doanh nghiệp chi tiền để được giải quyết thủ tục. Với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, bị cáo Lan và các bị cáo ở Cục Lãnh sự sẽ gây khó khăn dưới nhiều hình thức.
Trong đó, bị cáo Lan tự ý ra văn bản yêu cầu dừng triển khai chuyến bay khi doanh nghiệp đã bán hết vé và thuê tàu bay, hoặc sát ngày bay mới thông báo, thay đổi kế hoạch bay, số hành khách để doanh nghiệp phải gặp chi tiền.
Quá trình thẩm vấn, bị cáo Lan thừa nhận hành vi phạm tội. Với hành vi phạm tội như trên, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lan mức án 18 - 19 năm tù về tội nhận hối lộ.
Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa xác nhận, bị cáo Lan và gia đình đã nộp 900 triệu đồng khắc phục hậu quả. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử truy thu đối với bị cáo Lan số tiền hơn 24 tỷ đồng để tịch thu, sung ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục kê biên phong tỏa tài khoản, tài sản liên quan đến bị cáo Lan để đảm bảo thi hành án.
Cụ thể, đề nghị phong tỏa số tiền hơn 200 triệu đồng tại các ngân hàng và hàng loạt mã trái phiếu trị giá khoảng 5 tỷ đồng; tiếp tục kê biên các tài sản đứng tên bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan là một căn hộ chung cư ở Tòa nhà Grandeur Palace Giảng Võ, Hà Nội giá trị khoảng 15 tỷ đồng; căn hộ chung cư ở Tổ hợp Văn phòng, thương mại và chung cư cao cấp Golden Palace, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội giá trị khoảng 4,4 tỷ đồng và ô tô 5 chỗ nhãn hiệu LEXUS RX300 màu trắng giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản kê biên, thu giữ khoảng 29 tỷ đồng.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Lan cho biết, bị cáo luôn tạo điều kiện tối đa cho công dân Việt Nam được trở về nước trong thời điểm bùng phát dịch COVID -19. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, bị cáo cũng như những cán bộ Cục Lãnh sự đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn đặt công tác bảo hộ công dân lên trên hết, luôn coi công dân bị mắc kẹt như người thân gia đình mình.
Bị cáo Lan mong Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên căn hộ tại quận Nam Từ Liêm để gia đình bị cáo có nơi sinh sống, và bị cáo có nơi để quay về sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.
Đối với các tài sản khác đang bị cơ quan tố tụng phong tỏa, bị cáo Lan cũng đề nghị Hội đồng xét xử cho giải tỏa các tài sản đã kê biên và phong tỏa để bị cáo nhờ gia đình xử lý các tài sản này lấy tiền nộp ngân sách Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Bị cáo Lan nhận lỗi với nhân dân và mong được nhân dân tha thứ lỗi lầm, vì nhận thức của bị cáo chưa được đầy đủ về việc nhận quà của một số đại diện doanh nghiệp.
Bị cáo Lan cũng mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo một hình phạt nhẹ hơn so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, để bị cáo có cơ hội trở về với gia đình và làm lại cuộc đời.