Ngày 8/5, hồ sơ “ Những bản đúc trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam đã được thông qua và chính thức trở thành Di sản Tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Cửu đỉnh là 9 cái đỉnh lớn bằng đồng đặt trước sân Thế Tổ Miếu, bên trong Hoàng cung Huế, được vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc từ năm 1835.
Đỉnh đồng có kích thước rất lớn, cao trung bình 2,3m, nặng từ hơn 1,9-2,6 tấn.
Những bản đúc trên Cửu đỉnh ở hoàng cung Huế được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng và mỹ thuật dưới triều vua Minh Mạng.
Việc UNESCO công nhận 162 mảng hình đúc tinh xảo bằng đồng trên Cửu đỉnh Huế là Di sản Tư liệu Thế giới cho thấy những giá trị đặc biệt, riêng có của bộ "Bách khoa thư" bằng đồng của Việt Nam hồi nửa đầu thế kỉ 19.
Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa-giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.
162 hình trên cửu đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc - chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học.
Với ý nghĩa "Chú cửu đỉnh dĩ tượng thành công" (đúc chín đỉnh thể hiện sự thành công) thể hiện sự trường tồn của triều đại, các hình ảnh được lựa chọn thể hiện trên chín đỉnh cũng có thể coi là bộ bách khoa toàn thư sống động về Việt Nam thời bấy giờ.
Để tạo nên những khuôn đúc chính xác, các nghệ nhân đã rất kì công trong việc lựa chọn loại đất sét phù hợp.
Các phù điêu trên thân đỉnh được tạo mẫu, làm khuôn từ trước và đúc liền khối.
Năm 2012, Cửu đỉnh đã được Nhà nước công nhận Bảo vật Quốc gia, và đến nay chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu của Chương trình kí ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể khẳng định Cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới.
Mời độc giả xem thêm video 20 năm Di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình (Nguồn: THĐT):
Bảo Thanh