Cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị giám đốc thẩm vụ Sagri
Liên tục kêu oan nhưng không được chấp nhận, ông Trần Trọng Tuấn vừa có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Ngày 15/8, theo nguồn tin của Zing, cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn vừa có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM.
"Vụ Sagri không phải đấu giá"
Theo nội dung đơn đề nghị của ông Tuấn, Sagri góp vốn với Tổng công ty Phong Phú để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (TP.HCM) do Sagri làm chủ đầu tư.
Khi UBND TP.HCM phê duyệt đề án tái cơ cấu Sagri, thì việc đơn vị này đã góp vốn, đầu tư vào dự án bất động sản không còn phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Do đó, Sagri phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư vào dự án này, bao gồm giá trị quyền sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật.
Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã góp vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới. Việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn mà Sagri đã đầu tư vào dự án không thể áp dụng Điều 29 và Điều 38 Nghị định số 91/2015 và không phải đấu giá công khai. "Bởi điều 29 thuộc mục 2, chương III Quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH, không phải đấu giá", ông Trần Trọng Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn mà doanh nghiệp đã đầu tư trong dự án này phải áp dụng pháp luật về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới.
Do đó, việc HĐXX nhận định "chuyển nhượng dự án thực chất là bán tài sản Nhà nước nên phải thực hiện việc thẩm định giá, đấu giá" là không phù hợp với tình trạng cụ thể đang quản lý, sử dụng tài sản tại doanh nghiệp.
"Tôi không cố chấp để bảo vệ cái sai"
Liên tục kêu oan về bản án 6 năm tù mà tòa cấp phúc thẩm đã tuyên. Ông Tuấn khẳng định trong đơn về việc ông làm đơn đề nghị xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm không phải là cố chấp để bảo vệ cái sai, chối bỏ trách nhiệm. "Với tất cả sự thật khách quan của vụ án và những quy định của pháp luật liên quan giải quyết vụ án này, tôi thật sự bị oan", ông Tuấn viết trong đơn.
Ông Trần Trọng Tuấn cũng cho rằng người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Sagri là cá nhân được UBND TP.HCM bổ nhiệm vào hội đồng thành viên Sagri, là người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp.
Còn ông là Giám đốc Sở Xây dựng, được phân công làm Chủ tịch hội đồng thẩm định chuyển nhượng dự án bất động sản, không được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Sagri nên không thể là chủ thể của tội này.
Cũng theo ông Tuấn, kết luận giám định ngày 27/3/2020 nêu: "Việc chuyển nhượng không tiến hành đấu giá là không tuân thủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 và Khoản 5 Điều 38 Nghị định số 91/2015". Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, giám định viên đã thừa nhận các nội dung kết luận giám định này là trái với quy định của pháp luật.
Cựu Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng trước đó, kết luận giám định này có giá trị pháp lý và được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án, nhưng khi kết luận giám định này thay đổi, thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án. Trong khi HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn căn cứ vào lời khai của ông trong quá trình điều tra để giải quyết vụ án là không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Hôm 15/6, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo kêu oan, y án 6 năm tù đối với ông Trần Trọng Tuấn về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, liên quan dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, bị cáo Tuấn biết rõ việc chuyển nhượng dự án Sagri phải tiến hành thẩm định giá, khi họp hội đồng có nhiều thành viên chưa đồng thuận về việc chuyển nhượng, hồ sơ chuyển nhượng chưa đảm bảo, chưa có phương án thoái vốn... Tuy nhiên, bị cáo vẫn ký tờ trình chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án trái pháp luật gây thiệt hại hơn 384 tỷ đồng của Nhà nước.