Cứu người phụ nữ không đi nổi 100m
Dù đã điều trị Đông - Tây y, trong đó có uống thuốc, châm cứu, bấm huyệt, tập vật lý trị liệu, nhưng tình trạng đau lưng, tê nhức 2 chân ngày càng trầm trọng hơn, khiến bệnh nhân không thể đi nổi 100m.
Người phụ nữ 66 tuổi tìm đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM trong tình trạng đau lưng, tê nhức hai chân khiến bệnh nhân không thể đi bộ nổi 100 mét (đi cách hồi thần kinh).
Theo bệnh nhân, tình trạng này đã tồn tại nhiều năm qua, mặc dù đã điều trị nhiều nơi với thuốc uống, vật lý trị liệu, kể cả châm cứu, bấm huyệt nhưng triệu chứng ngày càng trở nặng và ảnh hưởng đến chất lượng cột sống.
Bác sĩ Vũ Tam Trực - Khoa cột sống B, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cho biết qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị còng vẹo thoái hóa cột sống từ vùng bản lề ngực - thắt lưng đến thắt lưng cùng, làm toàn bộ cơ thể bị mất cân bằng cả trong mặt phẳng ngang và mặt phẳng dọc.
Kết quả chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) cho thấy bệnh nhân bị hẹp ống sống ở toàn bộ cột sống thắt lưng, gây chèn ép rễ thần kinh hai bên.
Các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp biến dạng cột sống phức tạp, cần can thiệp phẫu thuật để giải ép thần kinh và nắn chỉnh cột sống trong không gian 3 chiều. Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật.
TS.BS Nguyễn Trọng Tín - Trưởng khoa Cột sống B - trưởng ê kíp phẫu thuật, cho biết bệnh nhân này bị béo phì, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim và loãng xương. Do đó, ê kíp phẫu thuật đã lên kế hoạch rất kỹ cho cuộc “đại phẫu” này.
Bệnh nhân được phẫu thuật lối sau, giải ép từ tầng thắt lưng 1 đến xương cùng, đặt ốc bằng titanium từ đốt sống ngực 10 xuống đến cánh chậu, đục xương sửa trục nắn chỉnh còng - vẹo trong không gian 3 chiều nhằm hai mục đích giải ép triệt để các rễ thần kinh bị chèn ép, và khôi phục lại hình dáng giải phẫu bình thường của cột sống và cơ thể cho bệnh nhân.
“Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công tốt đẹp với lượng máu mất tối thiểu 500ml. Bệnh nhân được rút ống dẫn lưu từ ngày thứ 2 hậu phẫu và tập ngồi, đứng. Bệnh nhân có thể đi đứng bình thường từ ngày thứ 3 hậu phẫu. Đến hôm nay (15.8), các triệu chứng trước mổ như: đau lưng theo tư thế, tê nhức hai chân khi đi đứng đã gần như hoàn toàn biến mất. Bệnh nhân cảm thấy hài lòng về cuộc mổ và cho biết mình đã quyết định đúng đắn khi lựa chọn phẫu thuật để giải quyết dứt điểm bệnh tình đã kéo dài nhiều năm”, bác sĩ Tín chia sẻ.
Theo BS CK2 Châu Văn Đính - Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, tình trạng còng vẹo cột sống ngực - thắt lưng kèm hẹp ống sống nhiều tầng là bệnh lý phổ biến ở người lớn tuổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm loãng xương, béo phì, lao động nặng thời trẻ và yếu tố di truyền.
Trước đây, những bệnh nhân này thường chỉ được điều trị bảo tồn với thuốc uống và tập vật lý trị liệu vì lo ngại xảy ra những tai biến trong và sau phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện nay với trang thiết bị và kỹ thuật tiên tiến truyền máu hoàn hồi, monitoring thần kinh trong mổ…, bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý cột sống phức tạp. Điều này đã đáp ứng được nhu cầu điều trị ngày càng tăng của xã hội. “Phẫu thuật sẽ giải quyết triệt để những triệu chứng mạn tính như: đau lưng, mất vững cột sống, tê nhức hai chân do chèn ép thần kinh… giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống, độc lập trong sinh hoạt cá nhân và tái hòa nhập với xã hội”, bác sĩ Đính nhấn mạnh.