Cựu nhân viên Apple đang tạo ra chiếc laptop chưa từng có
Laptop Framework cung cấp khả năng tùy chỉnh cho người mua, họ có thể tự chọn các bộ phận và lắp ghép thành một laptop hoàn chỉnh cho riêng mình.
Công ty khởi nghiệp Framework có trụ sở tại San Francisco vừa khởi động một dự án đầy tham vọng: Một chiếc máy tính xách tay năng suất thấp, trọng lượng nhẹ và có thể “nâng cấp, tùy chỉnh và sửa chữa theo những cách mà không máy tính xách tay nào khác có thể làm được”, theo một tuyên bố của hãng.
Nirav Patel, người sáng lập của Framework, nói với trang The Verge rằng ý tưởng này nhằm giải quyết những trăn trở lâu nay của chính anh với ngành công nghệ.
Được biệt, Patel là một trong những nhân viên đầu tiên của Oculus và từng làm việc cho Apple. Trong suốt khoảng thời gian đó, anh cho rằng mình đã chứng kiến một ngành công nghiệp vô cùng lãng phí.
“Là một công ty điện tử tiêu dùng, mô hình kinh doanh của bạn hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc sản xuất hàng tấn thiết bị liên tục, đẩy nó vào thị trường và đến tay người tiêu dùng, sau đó loại bỏ nó và cứ để mặc chúng trở thành rác thải. Đó là sự lãng phí, kém hiệu quả và cuối cùng là tàn phá môi trường", Patel giải thích thêm.
Vì vậy, Patel coi laptop Framework không chỉ là sản phẩm mà là một hệ sinh thái. Framework sẽ trang bị màn hình 13,5 inch 2.256 x 1.504, camera trước 1080p 60 khung hình/giây, pin 55 Wh và khung nhôm nặng chưa tới 2 kg.
Trái tim của máy tính sẽ là là bộ vi xử lý Intel thế hệ thứ 11, bộ nhớ DDR4 lên đến 64 GB và khả năng lưu trữ từ 4TB trở lên của NVMe thế hệ 4.
Ngoài khả năng hoán đổi và nâng cấp các bộ phận bên trong như RAM, pin và bộ nhớ, công ty đang nỗ lực để cung cấp cho người mua thêm 3 lợi ích bổ sung khác, bao gồm tùy chỉnh phần cứng, linh kiện riêng biệt và DIY.
Đầu tiên, người dùng có thể tùy chỉnh và nâng cấp các thành phần bên ngoài của khung máy, bao gồm bàn phím, màn hình, viền màn hình (được gắn bằng từ tính) và các cổng kết nối (thông qua hệ thống card mở rộng).
Nếu không thích nhiều loại đầu đọc cơ bản, người sử dụng có thể chọn tích hợp bốn loại cổng vào cùng một thẻ đọc, các loại cổng cơ bản gồm có USB-C, USB-A, HDMI, DisplayPort, microSD...
Về linh kiện, Framework công bố sẽ bán các module của riêng mình, tuy nhiên, vẫn sẽ cung cấp cho nhà phân phối và bên bán lại thứ 3. Ý tưởng của hãng là nếu màn hình máy tính của bạn bị nứt hoặc bạn cảm thấy muốn thay đổi viền màn hình, bạn có thể truy cập website của Framework và tìm sản phẩm thay thế, được sản xuất riêng cho từng dòng máy.
Ngoài ra, các linh kiện sẽ có mã QR, người mua chỉ cần quét mã để tìm mua hoặc nâng cấp chúng khi cần.
Cuối cùng là khả năng người mua tự do thiết kế và lắp ráp một máy tính của riêng mình (DIY). Ngoài những gì cơ bản và có sẵn, Framework cho phép người mua được chọn các bộ phận khác nhau theo sở thích và tự lắp ráp chúng thành một máy tính mang dấu ấn cá nhân.
Bên cạnh đó, người mua còn có thể tùy chỉnh hệ điều hành như việc chọn cài đặt Linux, Windows 10 Home hay Windows 10 Pro.
Thực tế, đây không phải là lần đầu ý tưởng về một modular laptop (máy tính có thể thay đổi và lắp ráp các thành phần) xuất hiện. Trước đây, hãng Intel đã từng thử nghiệm sản xúat máy tính module nhưng không thành công như Compute Card hay Ghost Canyon NUC.
Ngoài ra, còn có ý tưởng nâng cấp thành phần cho dòng máy Alienware Area-51m của hãng Dell cũng thất bại sau 1 năm công bố và thậm chí là dự án điện thoại “lắp ghép” Ara của Google cũng gặp trường hợp tương tự. Tuy nhiên, Patel khẳng định anh sẽ tập trung hoàn toàn vào ý tưởng này và đó sẽ là giá trị cốt lõi của công ty.
Framework sẽ nhận đơn đặt hàng trong 3 tháng đầu năm và những máy tính đầu tiên dự kiến sẽ xuất xưởng từ giữa năm 2021. Giá của một laptop Framework chưa được công bố nhưng Patel nói rằng nó sẽ “tương đương với các máy tính xách tay tốt trên thị trường hiện nay”.