Cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn cùng đồng phạm hầu tòa trong vụ mở rộng sân bay Điện Biên
Ngày 2/8, TAND tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 'Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất', 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ' xảy ra tại Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
9 bị cáo phải hầu tòa trong vụ án này bao gồm: Nguyễn Tuấn Anh (SN 1977, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ), Trần Thị Vân (SN 1978, cựu Giám đốc Trung tâm quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ), Phạm Trung Kiên (SN 1984, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch), Trần Xuân Mạnh (SN 1984), Nguyễn Đình Hiệp (SN 1976, cựu Phó trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường TP Điện Biên Phủ), Bùi Thị Ánh (SN 1967), Bùi Mạnh Cường (SN 1990, nhân viên Phòng Tài nguyên Môi trường TP Điện Biên Phủ), Trần Thị Hòa (SN 1985, viên chức Trung tâm Quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ), Nguyễn Thị Khương (SN 1965, cựu nhân viên hợp đồng của Trung tâm Quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ).
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Dự án sân bay Điện Biên, UBND TP Điện Biên Phủ đã giao cho Trung tâm Quản lý đất đai chủ trì thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng. Nguyễn Thị Khương được giao làm trưởng nhóm thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các đối tượng có đất bị thu hồi, trong đó có diện tích của Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên.
Trong khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh Điện Biên thì Nguyễn Tuấn Anh - khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ, đã trực tiếp chỉ đạo Trần Thị Vân lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Vân tiếp tục chỉ đạo Khương lập và trình Vân ký báo cáo, tờ trình đề nghị thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ.
Do bị thúc ép nên Khương lấy tài liệu thu thập khi lập phương án đợt 31 mà không thu thập thêm bất cứ tài liệu nào rồi chuyển cho Vân ký duyệt. Bộ phận thẩm định cũng báo cáo việc này với Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ và được chỉ đạo “cho phép trình để ký duyệt”.
Cáo trạng xác định, từ tháng 4 - 12/2021, khi tham gia thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên, các bị can: Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân và Nguyễn Tuấn Anh đã thực hiện hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Các bị can: Phạm Trung Kiên, Trần Xuân Mạnh, Nguyễn Đình Hiệp, Bùi Thị Ánh đã thực hiện hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền gần 7 tỷ đồng. Các bị can: Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân, Trần Thị Hòa thực hiện hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền 267 triệu đồng.
Ngày 11/10/2021, khi tham gia thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên, bị can Bùi Mạnh Cường đã thực hiện hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng xác định, đây là vụ án đồng phạm, đối với hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, các bị can không có sự bàn bạc thống nhất khi thực hiện hành vi phạm tội; các bị can: Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân, Phạm Trung Kiên, Trần Xuân Mạnh, Nguyễn Đình Hiệp, Bùi Thị Ánh, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Tuấn Anh đều là người thực hành trực tiếp hành vi phạm tội.
Đối với hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bị can Trần Thị Vân là người khởi xướng; các bị can Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Hòa là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm và là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên theo dõi.