Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên bị đề nghị 12 - 14 năm tù
Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trần Tùng (cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) từ 12 - 14 năm tù (tổng hợp cả 2 tội danh).
Chiều 24.12, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án với 17 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2.
Theo VKS, đây là vụ án tham nhũng có diễn biến phức tạp xảy ra trong khi dịch COVID-19 bùng phát. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến quyền bảo hộ công dân ở nước ngoài, làm mất lòng tin của nhân dân… Vì vậy, VKS cho rằng cần xử phạt nghiêm minh đối với những bị cáo phạm tội.
Xét hành vi của từng bị cáo, VKS nhận thấy cần phải xử lý nghiêm đối với bị cáo cầm đầu, chủ mưu nhưng cũng phân hóa hành vi phạm tội của những bị cáo khác, đồng thời xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Căn cứ vào tài liệu, hồ sơ vụ án cùng lời khai của các bị cáo tại tòa, VKS xét thấy việc truy tố các bị cáo là có căn cứ.
Do đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trần Tùng (cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) từ 7 - 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 5 - 6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt từ 12 - 14 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Văn (cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) và Lê Ngọc Tường (cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Nam) cùng bị VKS đề nghị xử phạt từ 18 - 24 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”.
Các bị cáo còn lại bị VKS đề nghị mức án tương xứng với hành vi phạm tội.
Cựu phó phòng vận tải hàng không hưởng lợi gần 20 tỉ đồng
Bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Đưa hối lộ”, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) cho biết bản thân có quen biết Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) qua công việc.
Theo cáo trạng, khi biết được Kiên sẽ xin được văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, Quang đã liên hệ với Phạm Trung Kiên và được Kiên đồng ý, thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân.
Sau đó, Quang có trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương (cựu Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần Thương mại hàng không Vietjet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do), cho biết bản thân có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ, mức phí từ 2.000 - 3.000 USD/công dân.
Từ thông tin này, Cương và Dũng trao đổi với lãnh đạo của một số doanh nghiệp, tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cầu xin về nước.
Cả hai thỏa thuận với các giám đốc doanh nghiệp về chi phí chênh lệch lên từ 100 - 500 USD/công dân (so với chi phí Quang yêu cầu) để hưởng lợi. Tiếp đó, nhóm giám đốc đã tập hợp hồ sơ từ công dân và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 - 500 USD/công dân (so với chi phí Dũng, Cương đưa ra).
Theo cáo trạng, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Phạm Trung Kiên chuyển thông tin, hồ sơ đến Cục Y tế dự phòng để tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế duyệt, ký văn bản theo quy trình của bộ này.
Tại tòa, Vũ Hồng Quang thừa nhận đã đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên hơn 7,4 tỉ đồng để có được văn bản chấp thuận cho hơn 600 công dân về nước trên các chuyến bay. Bản thân Quang hưởng lợi gần 20 tỉ đồng.
Đối với hành vi sai phạm của bị cáo Vũ Hồng Quang, VKS đề nghị xử phạt từ 3 - 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.