Cựu Phó trưởng phòng PA03 có phải là nạn nhân của 1 kịch bản chết người?
Đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh thân chủ mình không phạm tội Đưa hối lộ như cáo buộc của VKSND tỉnh Sơn La, luật sư đề nghị HĐXX trả tự do cho cựu Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an tỉnh Sơn La ngay tại tòa.
Ngày 25/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gian lận thi cử THPT Quốc gia năm 2018 tiếp tục với phần tranh luận.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Minh Khoa (cựu Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ-PA03-Công an tỉnh Sơn La) kêu oan về tội Đưa hối lộ.
Các ngày thẩm vấn 23 – 24/5, bị cáo Khoa một mực khẳng định: Trước khi diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, bị cáo có đưa thông tin 3 thí sinh là con của đồng nghiệp để nhờ Lò Văn Huynh xem điểm giúp, chứ không nhờ nâng điểm. Bị cáo cũng khẳng định không có hành vi đưa 1 tỷ đồng cho Huynh như cáo buộc.
VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo, đồng thời đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Khoa mức án từ 12 – 13 năm tù về tội Đưa hối lộ.
Bào chữa cho Nguyễn Minh Khoa, luật sư Trần Anh Tú, thuộc VPLS Khánh Hưng (đoàn luật sư Hà Nội) đã dẫn chứng nhiều căn cứ để chứng minh thân chủ mình vô tội.
Cụ thể, tại phần xét hỏi chiều ngày 23 và ngày 24/5, Lò Văn Huynh khai rõ trước HĐXX: Ngoài việc không thỏa thuận, không nhận bất kỳ khoản tiền nào của Khoa, ngày 26/7/2018, bị cáo Huynh cũng không nhận cuộc gọi nào từ Khoa đến số điện thoại của vợ bị cáo là Lê Thị Thanh Yến để gặp trao đổi về nội dung xin lại tiền để trả lại cho gia đình thí sinh như cáo buộc của cáo trạng.
Luật sư Tú cho rằng, việc bị cáo Huynh thay đổi lời khai, không thừa nhận nội dung nhận nhận tiền của Khoa là có cơ sở. Bởi tại phiên tòa sáng 23/5/2020: Bị cáo Huynh khai rằng “vì bị cáo nghĩ Khoa là người trong ngành nên tôi cứ khai, vì Khoa trong ngành, trong nghề nên không ngại”.
Tiếp đến, đối chiếu bảng kê khai tài sản của gia đình bị cáo Huynh, trong đó có nội dung VKS viện dẫn sáng 23/5 thể hiện có việc vợ chồng bị cáo Huynh - Yến đã chuyển nhượng thửa đất tại Tam Điệp, Ninh Bình và nhận về 1 khoản tiền. Nguồn gốc thửa đất này do mẹ chị Lê Thị Thanh Yến tặng cho con gái.
“Như vậy, từ lời khai của bị cáo Huynh đã loại trừ 1 nguồn chứng cứ xác định bị cáo Nguyễn Minh Khoa đã có hành vi đưa tiền cho bị cáo Huynh”, luật sư Tú phát biểu.
Đánh giá về chứng cứ là lời khai của ông Lê Thanh Sơn (em vợ bị cáo Huynh) liên quan nội dung Huynh dặn “giữ hộ 1 tỷ đồng để gửi lại cho anh Khoa”, các luật sư cho rằng đây là 1 kịch bản nhằm đổ tội cho người khác như phân tích ở luận điểm trên. Kịch bản này hòng đối phó khi việc nhận nâng điểm cho thí sinh L.M.H. chưa phát hiện và được bàn bạc giữa Huynh và người thân gia đình từ trước khi bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tại bản cung là BL số 9154 – 9159 ngày 24/3/2020 Huynh khai: "Sắp tới có thể anh bị khởi tố, khám nhà, anh có 1 tỷ đưa cậu cầm hộ, có việc cần dùng thì cứ dùng trước”.
Tại phần xét hỏi công khai trong phiên tòa chiều 23 và sáng 24/5, bị cáo Huynh tiếp tục khẳng định, xác nhận lại mục đích đưa tiền cho Sơn không phải để gửi trả Khoa mà để cho Sơn vay tiền mua đất làm nhà. Điều này phù hợp với bản cung tại BL số 9159 như sau: “Từ khi bị khởi tố đến ngày xét xử sơ thẩm, tôi có khai nhận của anh Khoa 1 tỷ đồng để giúp cho 2 thí sinh nhưng thực tế là không có như vậy. Thời gian đầu khi khởi tố tôi bị lo lắng căng thẳng đã khai không đúng, chưa nhận thức đúng đắn về hành vi của mình nên khai không đúng, chỉ khai cho hợp lý logic và chóng kết thúc vụ án … Tôi khẳng định không có thỏa thuận nhận tiền từ anh Khoa”.
Mục đích của việc đưa số tiền 1 tỷ cho em vợ Lê Thanh Sơn, qua thẩm vấn trực tiếp anh Sơn tại phiên xét xử HSST ngày 23/5 phù hợp lời khai tại BL số 9159 của bị cáo Huynh rằng “cho cậu Sơn vay 1 tỷ để cậu lo mua đất và làm nhà ổn định cuộc sống ở Sơn La”…
Các luật sư còn cho rằng, cơ quan tố tụng đã tạo dựng tình tiết Nguyễn Minh Khoa gọi điện thoại đến số máy của Lê Thị Thanh Yến để gặp Lò Văn Huynh xin nhận “lại số tiền đã đưa nhằm trả lại cho gia đình thí sinh”.
Luật sư Tú đã nhiều lần đề nghị VKS chuẩn bị công bố chứng cứ, tài liệu xác định tính liên quan, giá trị chứng minh của tình tiết này nhưng tại phần luận tội, kiểm sát viên không thể công bố mà chỉ đánh giá chung chung, thiếu căn cứ.
Từ những phân tích trên, luật sư đề nghị HĐXX dựa trên nguyên tắc “không buộc được thì phải gỡ” để tuyên bố xác định người bị buộc tội Nguyễn Minh Khoa không thực hiện hành vi phạm tội Đưa hố lộ như quy kết của VKSND tỉnh Sơn La, tuyên bố trả tự do cho bị cáo tại tòa.