Cựu quan chức Lầu Năm Góc hé lộ lĩnh vực quân sự Nga vượt trội hơn Mỹ
Quân đội Mỹ bị Nga và các đối thủ tiềm năng vượt mặt trong lĩnh vực tác chiến điện tử bao gồm công nghệ gây nhiễu dùng để hạ gục vũ khí đối phương.
Tờ Defense One đưa tin, đây là nhận định của Trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mike Nagata tại hội nghị Tuần lễ SOF ở thành phố Tampa thuộc bang Florida. Theo ông, Washington “vẫn đang tụt lại phía sau” so với các đối thủ trong lĩnh vực tác chiến điện tử.
Công nghệ gây nhiễu đang trở thành một công cụ chiến đấu quan trọng mà bằng chứng là trong xung đột Nga - Ukraine. Các lực lượng Nga đã thành công trong việc khiến tên lửa HIMARS và các loại vũ khí khác do Mỹ sản xuất đi chệch hướng, bằng cách sử dụng tín hiệu điện tử để làm xáo trộn hệ thống dẫn đường của vũ khí.
Trên thực tế, vào tháng 11/2023, người khi đó giữ chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine là Đại tướng Valery Zaluzhny đã thừa nhận việc Nga chiếm thế thượng phong. Ông còn gọi tác chiến điện tử là “chìa khóa chiến thắng”.
Theo ông Nagata, người từng đứng đầu Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt của Mỹ (SOCCENT) ở Trung Đông, Lầu Năm Góc sẽ cần sáng tạo hơn trong việc sử dụng các công nghệ vô tuyến mà đặc biệt là thông tin liên lạc trong không gian để thu hẹp khoảng cách tác chiến điện tử với các đối thủ.
Hồi tháng 3, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, nhà nghiên cứu Daniel Patt tại Viện Hudson nhận định đạn pháo dẫn đường bằng GPS Excalibur “đạt tỷ lệ 70% bắn trúng mục tiêu khi lần đầu tiên được sử dụng ở Ukraine”, nhưng “sau 6 tuần, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 6% khi Nga điều chỉnh các hệ thống tác chiến điện tử”.
Chia sẻ với Defense One, các quan chức quân sự Mỹ nghỉ hưu cũng cho hay Nga đã liên tục đầu tư vào đổi mới điện từ trong nhiều thập kỷ. Trong cùng khoảng thời gian này, các nỗ lực chiến tranh điện tử của Mỹ lại chỉ tập trung vào thu thập thông tin tình báo ở Trung Đông.
Theo ông Nagata, việc chống lại lực lượng tác chiến điện tử của Nga sẽ cần phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong nỗ lực thúc đẩy liên lạc vệ tinh, và các công nghệ khác.
“Chính phủ Mỹ mà đặc biệt là các nhà lãnh đạo quân sự cho đến các nhà hoạch định chính sách phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong quá trình thử nghiệm, áp dụng và sử dụng các công nghệ mới. Nếu không sẵn sàng chấp nhận thất bại, chúng ta sẽ không thành công”, ông Nagata nhấn mạnh.
Lầu Năm Góc được cho đang tìm cách sử dụng các dải tín hiệu hẹp hơn và mạnh hơn để phá vỡ nỗ lực gây nhiễu. Tuy nhiên, chia sẻ với tờ Business Insider, nhà phân tích Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng không nên mong đợi những thay đổi, bởi “đối phương luôn phát triển các biện pháp đối phó để làm giảm hiệu quả”.