Cứu sinh mạng trẻ là vấn đề cần phải ưu tiên

'Cứu sinh mạng trẻ là vấn đề cần phải được ưu tiên', cần sự chung tay, vào cuộc và cam kết hiệu quả hơn nữa từ phía gia đình - nhà trường- xã hội để trẻ em thực sự được sống trong môi trường an toàn.

Trẻ em bị tai nạn thương tích không chỉ khiến nhiều gia đình suy kiệt về kinh tế, thậm chí để lại nỗi đau dai dẳng đối với gia đình trẻ mà còn ảnh hưởng đến nguồn nhân lực đất nước. Ngoài những vụ tai nạn truyền thống như: Đuối nước, tai nạn giao thông thì gần đây nhiều vụ trẻ em bị ngộ độc thực phẩm, trẻ là nạn nhân của hỏa hoạn… được coi là tai nạn thương tích phi truyền thống, đe dọa an toàn, tính mạng con trẻ. Vì vậy, “Cứu sinh mạng trẻ là vấn đề cần phải được ưu tiên”, cần sự chung tay, vào cuộc và cam kết hiệu quả hơn nữa từ phía gia đình - nhà trường- xã hội để trẻ em thực sự được sống trong môi trường an toàn. Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi của PV VOV với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH.

PV: Thưa ông, trước hết xin ông cho biết thực trang các vụ tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em ở Việt Nam hiện nay?

Ông Đặng Hoa Nam: Hiện nay, trong tai nạn thương tích trẻ em phổ biến nhất vẫn là do tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Mỗi một năm thì có khoảng hơn 1.800 vụ tử vong do tai nạn đuối nước, cũng tương tự như vậy là các vụ trẻ em bị tử vong do tai nạn giao thông, nhưng với nỗ lực và các biện pháp can thiệp tích cực trong thời gian qua, có thể nói chúng ta đã từng bước kéo giảm tình trạng tai nạn đuối nước cũng như tai nạn giao thông ở trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa bởi vì tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích nói chung và đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ suất cao và yêu cầu là phải giảm mạnh nhiều hơn nữa.

Thời gian gần đây chúng ta lại thấy xuất hiện thêm nhiều các loại tai nạn thương tích khác. Ví dụ, tai nạn liên quan đến an toàn thực phẩm, các vụ việc ngộ độc thực phẩm ở các trường hợp, trẻ em học bán trú hay dịch vụ và đồ ăn ở ngoài cổng trường… rõ ràng đặt ra yêu cầu phải tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát được việc cung cấp thực phẩm cho những tiểu học, cho các bếp ăn bán trú cho học sinh và đặc biệt là quản lý được tình trạng các dịch vụ bán đồ ăn cho học sinh tại cổng trường, ở khu vực có trường hợp. Một vấn đề nữa cũng đang nổi lên, đó là tình trạng trẻ em là nạn nhân trong vụ hỏa hoạn, các vụ cháy nổ. Đây là vấn đề mà chúng ta rất là quan tâm. Trước hết là làm sao để chúng ta có những khu vực trường học an toàn, những chung cư an toàn để phòng chống cháy nói chung, trong đó đặc biệt là liên quan đến đối tượng trẻ. Bởi vì chúng ta phải triển khai những biện pháp cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng là chúng ta cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Còn một số các loại hình tai nạn phi truyền thống khác là chúng ta cũng phải có sự quan tâm chú ý, bởi vì các diễn biến còn hết sức phức tạp.

PV: Vâng, vậy đánh giá như thế nào về các biện pháp và mô hình phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ đang được triển khai, nhất là với những tai nạn thương tích phi truyền thống xảy ra ở trẻ như ông vừa nói?

Ông Đặng Hoa Nam: Chúng tôi cũng phải ghi nhận, với những loại hình tai nạn thương tích mới xuất hiện, đặc biệt là tai nạn cháy nổ thì việc truyền thông phòng ngừa đặc biệt của lực lượng cứu hộ cứu nạn, lực lượng công an phòng cháy, chữa cháy triển khai rất là tốt trong thời gian vừa qua. Chúng ta đã đưa những kiến thức, kỹ năng về sinh tồn, đặc biệt là kỹ năng phòng chống cháy nổ vào trong trường học, cũng giống như trước đây chúng ta đã đưa vào giáo dục cho học sinh các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn giao thông; phòng tránh tai nạn đuối nước. Chúng tôi cho rằng việc này thì chúng ta phải kết hợp các biện pháp an toàn. Tôi nêu ví dụ như chúng ta cần kiểm tra nhiều hơn nữa việc truyền thông giáo dục các mô hình an toàn cho trẻ em, thiết lập môi trường sống an toàn. Ví dụ như ngôi nhà an toàn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Quyết định về tiêu chí ngôi nhà an toàn và chúng ta cố gắng phấn đấu có ít nhất 5 triệu hộ gia đình hộ gia đình đạt ngôi nhà an toàn. Sắp tới, Cục Trẻ em cũng sẽ tham mưu cho lãnh đảng Bộ để chúng ta cập nhật thêm những thông tin, bổ sung thê tiêu chuẩn về ngôi nhà an toàn để phòng, chống những loại tai nạn có nguy cơ gia tăng hiện nay.

Thứ hai, chúng ta cũng cần phải có tiêu chí về trường học an toàn an toàn. Phòng, chống tai nạn thương tích, tôi cho rằng cần phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền, cơ sở nơi có trường học, trách nhiệm của cộng đồng dân cư nơi có trường học cũng như trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Trở lại câu chuyện chúng ta vẫn nói nhiều hơn đến việc kết hợp 3 Môi trường là: Gia đình - nhà trường và xã hội nhưng mà trọng tâm vào việc tạo môi trường an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư đối với các loại hình kinh doanh thức ăn, đồ ăn ở ngoài cổng trường hay là việc cung cấp thực phẩm cho trường bán trú …thì đấy là việc chúng tôi cho rằng cần phải có những cập nhật về các tiêu chuẩn về trường học an toàn hay là tiêu chuẩn với cộng đồng an toàn.

Chúng ta không chỉ nói về phòng ngừa, những tai nạn mang tính chất truyền thống mà bây giờ có rất nhiều loại hình tai nạn phi truyền thống. Chúng ta cần phải có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng dân cư, của chính quyền cấp sở tại… thì tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang có một loạt các tiêu chí. Ví dụ như là đô thị văn minh, nông thôn mới và tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Chúng ta cần phải làm sao để lồng ghép được những tiêu chí này với nhau và trẻ em vào trong trung tâm. Cho dù là nông thôn mới, cho dù đô thị văn minh thì vẫn phải chặt chẽ vào trong trung tâm, lấy đối tượng trẻ em là trước hết. Bởi vì chúng ta cũng phải hiểu một nguyên tắc là nếu như môi trường sống an toàn cho trẻ em thì có nghĩa là an toàn cho đa số người dân.

PV: Thưa ông, vậy làm thế nào để chúng ta có thể kéo giảm được nhiều hơn các vụ tạn nạn thương tích ở trẻ. Đâu là việc cần là ngay để có thể đem lại một môi trường sống thực sự an toàn- thân thiện và lành mạnh cho trẻ, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Hiện nay, trung bình mỗi một năm chúng ta kéo giảm được khoảng từ 3 đến 5% số vụ trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích, tức là nó tương ứng với khoảng 100 trường hợp trẻ em được cứu sống mỗi năm. Nếu so với cách đây 10 năm 15 năm, thì số tử vong do tai nạn thương tích ở Việt Nam đã có những thời điểm xấp xỉ đến gần 3.000 trường hợp tử vong trong một năm, thì hiện nay chúng ta đã kéo giảm xuống là xấp xỉ 2.000; có những năm xuống còn khoảng hơn 1.800 trường hợp. Tuy nhiên, tốc độ giảm tạm gọi là giảm một cách tự nhiên. Như vậy thì không bảo đảm cho yêu cầu và mục tiêu về kiểm soát tai nạn thương tích và bằng mọi cách kéo giảm kéo giảm nhanh hơn nữa để mỗi một năm chúng ta đặt mục tiêu kéo giảm khoảng từ 3 đến 5% hoặc tốt hơn là 10% số trường hợp trẻ tử vong do thương tích.

Chúng tôi thấy chúng ta đã có những mô hình can thiệp tốt nhưng vấn đề hiện nay là phải nhân rộng mô hình ra và nhân rộng thì ít nhất bằng nguồn ngân sách của địa phương thì phải tăng cường hơn nữa để có thể triển khai các mô hình can thiệp phòng, chống đuối nước: Như thiết lập môi trường nước an toàn, như tăng cường các biện pháp giám sát của gia đình, cộng đồng, của trường hợp đối với học sinh, đối với trẻ em; tăng cường mở các lớp dạy bơi an toàn dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em và học sinh ….thì tất cả những việc này đòi hỏi phải có sự đầu tư ngân sách một cách hợp lý.

Tôi cũng hiểu rằng bài toán ngân sách của các địa phương, đặc biệt là những địa phương mà còn nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và chưa cân đối thu chi, đặc biệt là thi công trên địa bàn thì chúng ta cũng cần phải có sự cân đối và ưu tiên. Bởi lẽ, tôi nhấn mạnh “Cứu sinh mạng trẻ là vấn đề cần phải ưu tiên” và đầu tư ngân sách cho triển khai mô hình can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em nó không thực sự là tốn quá nhiều ngân sách. Nó chỉ tốn một lượng vừa phải mà chúng tôi đã tính toán được, thì tôi rất mong là Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố chúng ta hãy nhanh chóng có Nghị quyết để phân bổ hợp lý nguồn lực, bao gồm nhân lực và nguồn ngân sách địa phương để làm sao chúng ta nhanh chóng triển khai những mô hình can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em. Bằng chứng là những vùng mà có can thiệp, có ngân sách địa phương đầu tư hoặc có dự án đang triển khai thì rõ ràng là trong từ 3 đến 5 năm thì số vụ tử vong do tai nạn thương tích đã giảm từ 30 đến 50%.

Như vậy là việc “Cứu sứ mạng trẻ là cần thiết” và mô hình can thiệp của chúng ta hiện nay là hiệu quả và đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá: Mô hình can thiệp của Việt Nam có thể nhân rộng ra một số các nước trong khu vực và cam kết của Chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương thì cũng được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chuyển cái sự cam kết này đến chính quyền địa phương, đến Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và chuyển đến cộng đồng để tăng cường các mô hình can thiệp, giám sát tăng cường chung tay của cộng đồng để có những cảnh báo cảnh giới và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam, môi trường tự nhiên của chúng ta, riêng đối với tệ nạn thương tích do đuối nước thực sự là không thuận lợi. Và có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến khó khăn trong việc kéo giảm tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là đuối nước. Nhưng chúng tôi cho rằng, nguyên nhân khách quan không được dùng để biện minh cho trách nhiệm của chính quyền các cấp, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, trách nhiệm của các gia đình, của trường học… mà phải có trách nhiệm thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ em và đấy là một vấn đề ưu tiên hiện nay

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Hà Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cuu-sinh-mang-tre-la-van-de-can-phai-uu-tien-post1131058.vov