Cựu sinh viên Harvard chia sẻ bí quyết nghỉ hưu sớm

Sau 7 năm làm việc, một cựu sinh viên Harvard 28 tuổi sống ở thành phố New York đã quyết định nghỉ hưu sớm với số tiền tích lũy là 2,25 triệu USD.

Cô JP Livingston (28 tuổi) là một cựu sinh viên Đại học Harvard và hiện sinh sống ở New York.

Mặc dù chưa tới 30 tuổi, cô gái này đã sở hữu khối tài sản 2,25 triệu USD, và số tiền này đối với cô là quá đủ để có thể nghỉ hưu sớm. Vì thế, sau 7 năm làm việc vất vả, Livingston đã quyết định nghỉ việc và mở trang blog "The Money Habit" để chia sẻ với mọi người về cách quản lý tài chính và sử dụng tiền bạc khôn ngoan.

Chia sẻ trên CNBC, cây bút tài chính này đã hé lộ bí quyết giúp cô tiết kiệm tiền và làm giàu nhanh chóng. Theo đó, Livingston sinh ra trong một gia đình nghèo khó, và bố mẹ luôn dạy cô tầm quan trọng của tự do tài chính, điều này khiến cô rất nghiêm khắc trong việc sắp xếp chi tiêu của bản thân.

 Cô JP Livingston đã được nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 30 và hiện là một cây bút tài chính. Ảnh: CNBC.

Cô JP Livingston đã được nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 30 và hiện là một cây bút tài chính. Ảnh: CNBC.

Tiết kiệm 70% thu nhập

Tự do tài chính và nghỉ hưu sớm (được gọi là "FIRE" - Financial Independence, Retire Early) thường góp phần đạt được thông qua tỷ lệ tiết kiệm cao và cắt giảm chi tiêu ở mức tối đa. Và cô Livingston cũng không nằm ngoài trường hợp này.

Khi Livingston quyết định nghỉ hưu, cô mới chỉ làm việc trong ngành tài chính vỏn vẹn 7 năm nhưng đã tích lũy được 2,25 triệu USD và sau đó từ chức ở tuổi 28. Để làm được điều này, Livingston đã chia sẻ rằng cô cũng giống như hầu hết mọi người, phải tiết kiệm và không ngừng tiết kiệm.

Đầu tiên, cô Livingston hướng tới mục tiêu tốt nghiệp đại học không nợ nần. Cô đã thực hiện tốt điều đó khi rút ngắn thời gian tốt nghiệp Đại học Harvard xuống còn 3 năm, tự trả các khoản vay tiền học và sau đó tìm được một công việc lương cao.

Tiếp đó, để tiết kiệm đủ cho việc nghỉ hưu sớm, JP Livingston đã ước tính các khoản chi phí của mình trong mỗi một năm và dựa vào đó để vạch ra một con số mục tiêu. Sau khi xác định mục tiêu, cô tiếp tục lên kế hoạch dựa trên mức thu nhập hiện tại của bản thân và nhận ra rằng: Nếu tiết kiệm được khoảng 70% thì hành trình tự do tài chính sẽ ngắn đi rất nhiều.

Vì thế, Livingston cố gắng giữ chi phí sinh hoạt của mình ở mức càng thấp càng tốt, trong hoàn cảnh không làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Để đạt được điều này, Livingston đưa ra lời khuyên rằng mọi người nên quy đổi các khoản thanh toán sang đơn vị thời gian. Ví dụ, thay vì nói một chiếc iPhone mới có giá 800 USD, cô sẽ đổi nó thành 60 giờ làm việc - điều này khiến câu hỏi "có đáng để mua hay không" trở nên dễ trả lời hơn.

40% tài sản đến từ đầu tư

Bên cạnh việc tiết kiệm tiền, cô Livingston cũng nhấn mạnh rằng thật khó để trở nên giàu có nếu "chỉ biết tiết kiệm".

60% giá trị ròng của Livingston được cô tích lũy mỗi năm, nhưng 40% còn lại thì có được nhờ các khoản đầu tư thông minh. Đây là thành quả của sự kết hợp giữa cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và cả trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, chuyên môn của Livingston trong lĩnh vực tài chính cũng giúp cô tăng lợi tức đầu tư đáng kể.

 60% tiết kiệm - 40% đầu tư là bí mật thành công của cô Livingston. Ảnh: Getty Images.

60% tiết kiệm - 40% đầu tư là bí mật thành công của cô Livingston. Ảnh: Getty Images.

Cô Livingston cho rằng, nếu bạn kiếm được 70.000 USD/năm và tiết kiệm 70% một cách đều đặn thì tổng tích lũy sẽ là 49.000 USD/năm. Sau khoảng 2-3 năm, bạn có được một khoản tiết kiệm là 120.000-150.000 USD.

Nếu tranh thủ đầu tư số tiền này và nhận được lợi nhuận trung bình khoảng 10% mỗi năm, bạn có thể kiếm được thêm 12.000-15.000 USD, ngang với khoản tiết kiệm 2-3 tháng. Như vậy, số vốn có trong tay sẽ tiếp tục tăng lên. Đồng thời, nếu kế hoạch đầu tư thuận lợi thì “lãi suất kép” sẽ giúp con số này gia tăng một cách nhanh chóng.

Tối đa hóa sức lao động

Ngoài ra, cô Livingston còn chia sẻ thêm một bí quyết nữa, đó là cố gắng gia tăng thu nhập bằng việc cống hiến chăm chỉ. Thu nhập của cô không chỉ bao gồm lương cứng, mà còn có thêm nhiều khoản tiền thưởng, tiền hoa hồng và thu nhập từ việc làm thêm.

Theo đó, khi mới đi làm, thu nhập của Livingston chỉ khoảng 60.000 USD/năm. Nhưng sau nhiều năm làm việc chăm chỉ và chứng minh năng lực của bản thân, con số này đã tăng lên đáng kể. Ở thời điểm 28 tuổi và quyết định nghỉ việc, tổng thu nhập mỗi năm của Livingston đã lên tới 150.000 USD - gấp 2,5 lần so với mức 7 năm trước.

Và hiện tại, dù cô có nghỉ hưu trong công việc chính, thì việc viết blog và chia sẻ cách quản lý chi tiêu của mình trên "The Money Habit" vẫn giúp cô có một nguồn thu khác.

Cô Livingston chia sẻ: "Bất kể bạn bắt đầu từ đâu, miễn là bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ, sẽ có ngày bạn đã vượt lên trên mọi người".

Hằng Nga

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuu-sinh-vien-harvard-chia-se-bi-quyet-nghi-huu-som-post1363343.html