Cứu sống bé trai 2 tuổi bị ngừng tim do đuối nước
Bị tai nạn đuối nước ngưng tim tại nhà, bé trai đã được hồi phục kỳ diệu nhờ can thiệp kịp thời và kỹ thuật chuyên sâu hạ thân nhiệt chỉ huy.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, một bé trai 2 tuổi gặp tai nạn đuối nước và bị ngưng tim tại nhà đã được xuất viện sau gần 2 tuần điều trị tích cực tại bệnh viện.
Đây là một trong những trường hợp hồi phục kỳ diệu nhờ can thiệp kịp thời và kỹ thuật chuyên sâu hạ thân nhiệt chỉ huy – phương pháp đang được áp dụng tại các trung tâm hồi sức hiện đại trên thế giới.
Cụ thể, vào ngày 6/7, bé T. M (ở TP Huế) bị ngã vào hồ cá Koi trong sân nhà, không rõ thời gian ngâm nước bao lâu.
Khi được phát hiện, bé đã hôn mê, tím tái, ngưng thở, không phản ứng. Người nhà lập tức hồi sức tim phổi (CPR) tại chỗ trong vòng 2 phút.

Bé M đã tỉnh táo, đi lại và ăn uống bình thường, không để lại di chứng thần kinh rõ rệt. Ảnh: BVCC
May mắn, bé có cử động trở lại, thở rên yếu và được đưa đến trạm y tế xã, sau đó chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Trung ương Huế.
Tại thời điểm nhập viện, trẻ hôn mê sâu, SpO₂ chỉ còn 80% dù đã thở oxy, ran ẩm nặng hai phổi, tiên lượng cực kỳ nặng nề.
Các bác sĩ nhanh chóng triển khai điều trị hồi sức tích cực: đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng kháng sinh, vận mạch và đặc biệt là áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.
Sau 5 ngày, bé được cai máy thở, đến ngày thứ 7 được chuyển ra khỏi phòng hồi sức.
Hiện tại, bé đã tỉnh táo, đi lại và ăn uống bình thường, không để lại di chứng thần kinh rõ rệt – một kết quả ngoài mong đợi, mang lại niềm xúc động cho gia đình và đội ngũ y tế.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật điều trị tiên tiến, được sử dụng để giảm nhiệt độ cơ thể có kiểm soát (khoảng 33-34°C) trong 24-72 giờ nhằm giảm nhu cầu chuyển hóa của não bộ; ổn định màng tế bào, hạn chế phù não và tổn thương thứ phát do thiếu oxy và ngăn chặn phản ứng viêm lan rộng và bảo vệ chức năng thần kinh lâu dài.
Trường hợp trẻ bị ngạt nước và ngưng tim, dù được cứu sống nhưng nguy cơ di chứng thần kinh rất cao như co giật, hôn mê kéo dài, chậm phát triển tâm thần vận động. Hạ thân nhiệt chỉ huy giúp tăng khả năng phục hồi não, giảm nguy cơ tàn tật và tử vong muộn.
Khi tai nạn xảy ra, việc sơ cứu kịp thời và đúng cách tại hiện trường đóng vai trò sống còn.
Các bước sơ cứu gồm: nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước và gọi người hỗ trợ; kiểm tra phản ứng, hơi thở và tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) nếu trẻ ngừng thở, theo chu kỳ 15 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt, thực hiện 5 chu kỳ (khoảng 2 phút). Tuyệt đối không dốc ngược người, vỗ lưng hay ép trẻ nôn nước vì có thể khiến trẻ ngưng tim trở lại. Trong trường hợp trẻ còn thở nhưng hôn mê, cần đặt nằm nghiêng an toàn, giữ ấm và chuyển đến cơ sở y tế. Ngay cả khi trẻ tỉnh táo, việc nhập viện để theo dõi biến chứng muộn vẫn là cần thiết.
Đuối nước là tai nạn thầm lặng – không tiếng động, không dấu hiệu báo trước nhưng hậu quả có thể để lại nỗi đau suốt đời. Chỉ một phút lơ là, một sơ suất nhỏ cũng đủ dẫn đến bi kịch. Ba chìa khóa quan trọng để bảo vệ trẻ là: phòng ngừa chủ động, giám sát chặt chẽ và sơ cứu đúng cách.