Có gì trong thế giới của người thấu cảm?

Sự thấu cảm như con dao hai lưỡi. Một mặt, nó là nền tảng của sự tử tế, lòng trắc ẩn và khả năng chữa lành, nhưng nếu không biết cách sử dụng, người thấu cảm có thể trở thành 'thảm chùi chân' của người khác đến mức đánh mất chính mình.

Bạn có bao giờ cảm thấy mình là người dễ bị “lây nhiễm” cảm xúc của người khác, bất kể là vui, buồn, tức giận, lo lắng hay sợ hãi? Bạn có thường kiệt sức khi lắng nghe câu chuyện của người khác và cảm thấy đó như câu chuyện của mình? Bạn có thường đồng ý trước một lời đề nghị dù trong lòng muốn từ chối, chỉ vì không muốn nhìn thấy ai đó thất vọng? Bạn có từng nghe người ta nhận xét là bạn “quá nhạy cảm”, “cả nghĩ”, “dễ tổn thương”, hay “để ý quá nhiều”?

Nếu câu trả lời là có, rất có khả năng bạn là người thấu cảm (empaths), người nhạy cảm với cảm xúc và năng lượng của người khác ở mức độ sâu sắc. Nhưng đừng quá lo lắng, Anita Moorjani với cuốn sách Sức mạnh của người thấu cảm (tựa gốc: Sensitive is the New Strong) sẽ giúp bạn khai thác tối đa sức mạnh của “siêu năng lực” này để sống một cuộc đời ý nghĩa thay vì để nó trở thành điểm yếu.

Người sáu giác quan trong thế giới năm giác quan

Điều đầu tiên bạn cần biết là, thế giới mà chúng ta đang sống được vận hành dựa trên năm giác quan chính: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác. Những tiêu chuẩn phổ biến như lý trí, logic, khả năng quan sát, bằng chứng rõ ràng, hiệu quả, năng suất và sự kiểm soát là cơ sở để đánh giá mọi vấn đề. Trong hệ quy chiếu đó, trực giác và sự nhạy cảm thường bị xem nhẹ. Nếu một người thể hiện sự nhạy cảm của mình, họ thường bị dán nhãn là “yếu đuối”, “ủy mị” hoặc “phiền phức”. Họ luôn được khuyên phải “mạnh mẽ lên”, “dạn dĩ hơn”, và nếu là phái mạnh thì chắc hẳn họ sẽ được nghe câu “đàn ông phải cứng rắn lên” hay “đàn ông/con trai không được khóc”.

Lúc này, người thấu cảm dường như trở thành kẻ “lạc loài”. Họ như những người mang giác quan thứ sáu trong một thế giới chưa sẵn sàng để đón nhận điều đó.

Anita Moorjani – tác giả sách bán chạy do New York Times bình chọn – cũng là một người thấu cảm. Trong quá khứ, cô sống như chiếc bóng vô hình, luôn gạt bỏ nhu cầu của cá nhân, cố gắng làm hài lòng người khác và tự kìm hãm khả năng của mình để đạt được sự chấp thuận của mọi người hoặc tránh làm họ thất vọng. Thế nhưng, khi chạm đến ngưỡng cửa giữa sống và chết vào đầu năm 2006, Anita đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về bản thân, về thế giới và về sự thấu cảm mà trước kia cô từng muốn chối bỏ.

Bìa cuốn sách Sức mạnh của người thấu cảm.

Trong cuốn sách Sức mạnh của người thấu cảm, Anita Moorjani đã chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, từ trải nghiệm cận tử đến quá trình nhận ra mình là người thấu cảm và học cách khẳng định sức mạnh bản thân. Cô nhấn mạnh rằng sự thấu cảm không phải là điểm yếu mà là một món quà đặc biệt nếu ta biết cách sử dụng.

Trong nhiều trường hợp, người thấu cảm thường phải đối mặt với cảm giác kiệt sức vì rất dễ bị tác động bởi năng lượng xung quanh. Nếu người bình thường có thể “nhận biết” cảm xúc của người khác thì người thấu cảm lại “hấp thụ” và chịu đựng những cảm xúc ấy như thể đó là của chính mình. Hệ quả là họ dễ rơi vào trạng thái quá tải cảm xúc, lo âu, thậm chí là trầm cảm. Họ có xu hướng ưu tiên cảm xúc và nhu cầu của người khác, ngay cả khi điều đó khiến họ phải hy sinh lợi ích cá nhân. Việc thiếu ranh giới rõ ràng cũng khiến họ dễ đánh mất bản thân, không còn phân biệt được đâu là con người thật của mình.

Tệ hơn, nếu người thấu cảm lớn lên trong môi trường không công nhận bản chất nhạy cảm của họ. Họ sẽ học cách phủ nhận cảm xúc của mình, cố gắng làm hài lòng người khác và kìm nén năng lực nội tại để không gây thất vọng. Dần dần, họ xây dựng một hình ảnh giả định về bản thân như một người dễ chịu, dễ chấp nhận, không chống đối. Thậm chí, một số người còn che đậy sự nhạy cảm bằng vẻ ngoài lạnh lùng, xa cách hoặc bằng những hành vi trốn tránh: sử dụng chất kích thích, ăn uống vô độ, nghiện công việc hay cờ bạc… Tất cả đều nhằm tránh đối diện với cảm giác bị áp đảo bởi các kích thích cảm xúc và năng lượng xung quanh.

Như Anita đã chỉ ra: “Khi chối bỏ một trong sáu giác quan, chúng ta đồng thời cũng chối bỏ một phần con người mình. Và đây là lý do vì sao những người thấu cảm cũng như những người siêu nhạy cảm và có trực giác nhạy bén gặp khó khăn trong thế giới này. Họ buộc phải chối bỏ một trong những giác quan cơ bản giúp họ định hướng thế giới, và khi làm vậy, họ rơi vào trạng thái lạc lõng và bối rối”.

Tuy nhiên, nếu được bảo vệ đúng cách, sự thấu cảm sẽ biến thành nguồn sức mạnh người thấu cảm có thể tạo nên sự đồng cảm sâu sắc, giảm xung đột, duy trì các mối quan hệ bền vững và hỗ trợ quá trình phục hồi tâm lý cho người khác. Trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, tâm lý trị liệu, công tác xã hội hoặc quản trị con người, khả năng thấu cảm là nền tảng để xây dựng môi trường hỗ trợ, đồng hành và nâng cao hiệu suất làm việc.

Không chỉ vậy, khi biết cách phát huy sức mạnh của mình, người thấu cảm còn có thể trở thành những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng, tạo nên thay đổi tích cực trong cộng đồng và xã hội. Họ còn có khả năng truyền cảm hứng và khuyến khích sự đồng cảm cũng như lòng trắc ẩn của mọi người, từ đó tạo nên một môi trường tốt đẹp hơn.

Để thấu cảm trở thành ‘siêu năng lực’

Khái niệm về sự thấu cảm vốn không phải mới mẻ, tuy nhiên, cách Anita Moorjani nhìn nhận, diễn giải và dẫn dắt người đọc đi vào thế giới của người thấu cảm lại mang đến cho chúng ta những điểm nhìn mới lạ. Bởi lẽ, Anita Moorjani không xem sự thấu cảm như một công cụ để đạt đến thành công, mà là ngôn ngữ kết nối và xây dựng thế giới. Trong thời đại mà mọi thứ ngày càng trở nên bất an và căng thẳng, người thấu cảm chính là điểm neo cho thế giới không trở nên vô cảm. Khả năng đồng cảm, lòng tốt và lòng trắc ẩn của người thấu cảm là yếu tố quan trọng để làm dịu đi những xung đột và lan tỏa tình yêu thương cùng sự thấu hiểu.

Nhưng để biến sự thấu cảm thành nguồn sức mạnh, người thấu cảm trước hết cần hiểu rõ bản thân, nhận diện được đâu là cảm xúc của mình, đâu là cảm xúc “vay mượn” từ người khác. Chính vì vậy, việc thiết lập ranh giới như học cách nói “không”, không nhận trách nhiệm cảm xúc thay người khác, không can thiệp khi không được mời gọi… là những thứ quan trọng mà người thấu cảm nên học. Điều này không khiến bạn trở nên ích kỷ hơn, mà ngược lại, nó sẽ giúp duy trì sự cân bằng. Bởi lẽ, chỉ khi có nguồn năng lượng sống dồi dào, người thấu cảm mới có thể giúp đỡ người khác.

Song song với việc xây dựng ranh giới, người thấu cảm cũng cần thực hành tái kết nối với nội tâm thông qua thiền định, viết nhật ký, dành thời gian trong thiên nhiên, hoặc tạm ngắt kết nối với những môi trường có quá nhiều kích thích… Đây là những cách giúp người thấu cảm phục hồi năng lượng, tránh tình trạng bị cuốn vào những luồng cảm xúc hỗn loạn từ xung quanh.

Khi làm chủ được nhịp điệu sống của mình, người thấu cảm không còn bị động trước cảm xúc người khác mà có thể chủ động định hình và lan tỏa năng lượng tích cực. Họ không chỉ cảm nhận được nỗi đau của người khác, mà còn có khả năng truyền đi sự chữa lành một cách có giới hạn và tỉnh thức. Đó chính là lúc sự thấu cảm trở thành một “siêu năng lực” chứ không còn là gánh nặng.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là chấp nhận và tôn trọng bản chất nhạy cảm của mình. Khi người thấu cảm không còn cố gắng trở nên “bình thường” hay “mạnh mẽ” theo tiêu chuẩn xã hội, họ sẽ nhận ra mục đích sống của mình và tận dụng được tối đa năng lực thấu cảm.

Với giọng văn chân thành và khả năng đồng cảm sâu sắc, Anita Moorjani không chỉ kể lại hành trình của riêng mình mà còn mang đến cho người đọc một không gian chữa lành. Thay vì hàng loạt những quy tắc hay bộ công cụ nhàm chán, cô tập trung vào cách chúng ta kết nối, chữa lành và trưởng thành từ bên trong. Những câu chuyện, ví dụ, bài thiền và bài thực hành trong sách có thể giúp bạn học cách củng cố trực giác, ranh giới và chuyển hóa sự nhạy cảm thành sức mạnh nội tại, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của bản thân lẫn những mối quan hệ xung quanh.

Nói về cuốn sách, Lynne McTaggart, tác giả sách bán chạy The Intention Experiment, nhận xét: “Đây là quyển cẩm nang cần thiết cho tất cả những ai đang cố làm hài lòng mọi người, cảm nhận quá nhiều và nhận lại quá ít”.

Quỳnh H.

Anita Moorjani sinh ra tại Singapore, trong một gia đình có cha mẹ là người Ấn. Gia đình cô chuyển đến Hong Kong sinh sống từ năm cô hai tuổi. Do hoàn cảnh gia đình và được tiếp thu nền giáo dục Anh quốc nên cô có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Quảng Đông và tiếng Ấn Độ bản ngữ; về sau, cô còn học thêm tiếng Pháp.

Cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào tháng 4.2002, và đến đầu năm 2006, cô đã có trải nghiệm cận tử độc đáo và cảm động, làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của cô về cuộc sống.

Quyển sách đầu tay kể về trải nghiệm cận tử của cô, Dying to be me (Trở về từ cõi chết), đã bán được hơn 1 triệu bản trên toàn thế giới, được dịch sang hơn 45 ngôn ngữ và được nhà xuất bản Hay House gọi là một “kiệt tác đương đại”.

Anita Moorjani là diễn giả đã chinh phục trái tim và sự chú ý của hàng triệu người trên khắp thế giới. Cô có tên trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tâm linh” của tạp chí danh tiếng Watkins MIND BODY SPIRIT của Anh suốt nhiều năm liên tiếp.

Hiện Anita đang sống tại Mỹ cùng chồng là Danny, và cô vẫn tiếp tục chia sẻ câu chuyện tuyệt vời cũng như những bài học của mình với thế giới.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/co-gi-trong-the-gioi-cua-nguoi-thau-cam-49180.html