Mỹ nghiên cứu vaccine đánh thức miễn dịch chống ung thư

Một loại vaccine mRNA tăng cường hiệu quả tiêu diệt khối u bằng liệu pháp miễn dịch đã được một nhóm nghiên cứu của Đại học Florida, Mỹ thử nghiệm thành công trên chuột.

Được công bố mới đây trên tạp chí Nature Biomedical Engineering, nghiên cứu của Đại học Florida, Mỹ cho thấy, việc kết hợp vaccine thử nghiệm với các loại thuốc chống ung thư thông thường gọi là chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, giống như một cú đấm kép, đã kích hoạt phản ứng chống khối u mạnh mẽ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, một yếu tố đáng ngạc nhiên là họ đạt được kết quả đầy hứa hẹn này không phải bằng cách tấn công một protein mục tiêu cụ thể xuất hiện trong khối u, mà chỉ đơn giản là kích thích hệ miễn dịch - thúc đẩy nó phản ứng như thể đang chống lại virus. Họ làm điều này bằng cách kích thích sự biểu hiện của một loại protein gọi là PD-L1 bên trong khối u, làm cho chúng dễ tiếp nhận điều trị hơn. Nghiên cứu này được hỗ trợ bởi nhiều cơ quan và Quỹ Liên bang Mỹ, bao gồm Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Tác giả chính của nghiên cứu, Elias Sayour - Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi khoa tại UF Health và Giáo sư Nghiên cứu Ung thư Nhi khoa của Quỹ Ngăn ngừa ung thư ở trẻ em, cho biết kết quả này cho thấy một phương pháp điều trị mới đầy tiềm năng - một phương pháp thay thế cho phẫu thuật, xạ trị và hóa trị - với tác động rộng rãi trong việc chống lại nhiều loại khối u kháng trị.

Tiến sĩ Sayour cho biết: "Bài báo này mô tả một quan sát rất bất ngờ và thú vị: ngay cả vaccine không đặc hiệu với bất kỳ khối u hoặc virus cụ thể nào - miễn là vaccine mRNA - cũng có thể dẫn đến các tác động đặc hiệu lên khối u".

"Phát hiện này là bằng chứng cho thấy những loại vaccine này có khả năng được thương mại hóa thành vaccine ung thư phổ quát để giúp hệ miễn dịch nhận diện và chống lại được từng khối u riêng lẻ của từng bệnh nhân", Tiến sĩ Sayour cho biết thêm.

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Florida đã phát triển một loại vaccine mRNA tăng cường hiệu quả tiêu diệt khối u.

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Florida đã phát triển một loại vaccine mRNA tăng cường hiệu quả tiêu diệt khối u.

Cho đến nay, có hai ý tưởng chính trong quá trình phát triển vaccine ung thư: đó là tìm ra mục tiêu cụ thể được biểu hiện ở nhiều người mắc bệnh ung thư hoặc điều chỉnh một loại vaccine đặc hiệu phù hợp với các mục tiêu được biểu hiện trong chính khối u của bệnh nhân.

Tiến sĩ, Bác sĩ Duane Mitchell, đồng tác giả của bài báo cho biết: "Nghiên cứu này gợi mở một mô hình mới nổi thứ ba. Chúng tôi phát hiện ra rằng, bằng cách sử dụng một loại vaccine được thiết kế không nhắm mục tiêu cụ thể vào ung thư mà nhằm kích thích phản ứng miễn dịch mạnh, chúng tôi có thể tạo ra một phản ứng chống ung thư rất mạnh. Vì vậy, điều này có tiềm năng đáng kể để được sử dụng rộng rãi cho bệnh nhân ung thư - thậm chí có thể dẫn đến một loại vaccine ung thư sẵn có".

Nghiên cứu mới này dựa trên một đột phá của phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Sayour vào năm ngoái: trong thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người, vaccine mRNA đã nhanh chóng lập trình lại hệ miễn dịch để tấn công u nguyên bào thần kinh đệm, một loại u não ác tính với tiên lượng xấu. Một trong những phát hiện ấn tượng nhất trong thử nghiệm trên bốn bệnh nhân là phương pháp mới này - sử dụng vaccine "đặc hiệu" hoặc được cá nhân hóa, được tạo ra từ chính tế bào khối u của bệnh nhân - đã thúc đẩy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ để loại bỏ khối u.

Trong nghiên cứu mới nhất, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Sayour đã điều chỉnh công nghệ của họ để thử nghiệm một loại vaccine mRNA "tổng quát" - nghĩa là nó không nhắm vào một loại virus cụ thể hay tế bào ung thư đột biến nào mà được thiết kế đơn giản để kích thích phản ứng mạnh mẽ của hệ miễn dịch. Công thức mRNA được sản xuất tương tự như vaccine Covid-19, dựa trên công nghệ tương tự, nhưng không nhắm trực tiếp vào protein gai nổi tiếng của Covid.

Trong các mô hình chuột mắc bệnh u hắc tố, nhóm nghiên cứu đã thấy kết quả khả quan ở các khối u thường kháng trị khi kết hợp công thức mRNA với một loại thuốc miễn dịch trị liệu phổ biến gọi là chất ức chế PD-1, một loại kháng thể đơn dòng cố gắng làm cho hệ thống miễn dịch có thể nhận biết khối u là vật lạ, tiến sĩ Sayour cho biết.

Để nghiên cứu sâu hơn, trong mô hình chuột mắc ung thư da, xương và não, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những tác dụng có lợi khi thử nghiệm một công thức mRNA khác như một liệu pháp điều trị đơn lẻ. Ở một số mô hình, khối u đã được loại bỏ hoàn toàn.

Tiến sĩ Sayour và các đồng nghiệp đã quan sát thấy rằng việc sử dụng vaccine mRNA để kích hoạt phản ứng miễn dịch dường như không liên quan đến ung thư mà có thể thúc đẩy các tế bào T vốn không hoạt động trước đây thực sự nhân lên và tiêu diệt ung thư nếu phản ứng do vaccine thúc đẩy đủ mạnh.

Mitchell, người chỉ đạo Viện Khoa học Lâm sàng và Chuyển dịch của UF và đồng chỉ đạo Trung tâm Liệu pháp Khối u Não Preston A. Wells Jr. của UF, cho biết: nhìn chung, những tác động của nghiên cứu này rất đáng kinh ngạc.

"Đây có thể là một phương pháp phổ quát nhằm đánh thức phản ứng miễn dịch của chính bệnh nhân đối với ung thư. Và điều này sẽ rất có ý nghĩa nếu có thể áp dụng rộng rãi cho các nghiên cứu trên người", TS. Bác sĩ Mitchell nói.

Ông cho biết, kết quả cho thấy tiềm năng của một loại vaccine ung thư phổ quát có thể kích hoạt hệ miễn dịch và chuẩn bị cho nó hoạt động song song với thuốc ức chế điểm kiểm soát để tiêu diệt ung thư - hoặc trong một số trường hợp, thậm chí hoạt động độc lập để tiêu diệt ung thư.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang nỗ lực cải tiến các công thức hiện tại và chuyển sang thử nghiệm lâm sàng trên người trong thời gian sớm nhất.

Hồng Hạnh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/my-nghien-cuu-vaccine-danh-thuc-mien-dich-chong-ung-thu-348362.htm