Cứu sống bệnh nhân bị đứt tĩnh mạch cảnh do tại nạn lao động

Một bệnh nhân bị đứt tĩnh mạch cảnh vùng cổ trái nhập viện trong tình trạng nguy kịch vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cứu sống thành công.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Đ.H.T. (49 tuổi, ở xã Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) có vết thương phức tạp phần cổ do bị tôn cắt.

Xác định bệnh nhân nguy hiểm đến tính mạng, bệnh viện tiến hành báo động đỏ nội viện, hội chẩn giữa các khoa. Sau khi hội chẩn các bác sĩ nhận định đây là trường hợp có vết thương vùng cổ phức tạp, đứt tĩnh mạch cảnh, vết thương khí quản (1/3 dưới), vết thương đứt động mạch giáp dưới và rách màng phổi phía đỉnh phổi… Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu.

Các y bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân Đ.H.T.

Các y bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân Đ.H.T.

Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Độ - Khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân T. cho biết, đây là ca bệnh rất nguy kịch, máu chảy nhanh, ồ ạt, bệnh nhân bị sốc mất máu nặng, có thể tử vong ngay lập tức.

"Vết thương tĩnh mạch cảnh là nơi mạch máu lớn, nếu không xử trí kịp thời thì sẽ dẫn đến mất máu nhanh và tử vong. Vì vậy đòi hỏi bác sĩ phải thao tác quyết đoán, chính xác. Ưu tiên lớn nhất là việc xử lý vết thương tĩnh mạch cảnh nên chúng tôi đã tiến hành cầm máu và khâu nối tĩnh mạch cảnh, sau đó khâu màng phổi rồi tiếp tục tiến hành xử lý vết thương ở khí quản", bác sĩ Độ cho hay.

Sau 1 tuần điều trị tích cực tại Khoa Ngoại tổng hợp, sức khỏe bệnh nhân T. đã hồi phục, có thể đi lại, sinh hoạt, ăn uống và giao tiếp bình thường.

"Hiện tại tôi cảm thấy vô cùng khỏe khoắn, vết mổ đã khô và liền nhanh, ăn uống và đi lại tốt. Tôi vô cùng cảm ơn đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã cứu sống tôi, thời gian qua còn chăm sóc tận tình chu đáo. Bác sĩ cho biết, dự kiến cuối tuần nay tôi sẽ được xuất viện", bệnh nhân T. chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Độ khuyến cáo, vết thương ở cổ là một loại vết thương nguy hiểm song nếu kịp thời và biết cách vẫn có thể xử lý. Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải tuân theo nguyên tắc cơ bản của sơ cứu vết thương mạch máu là băng ép có trọng điểm vết thương.

Người sơ cứu có thể dùng những vật dụng hiện có sẵn như gạc, khăn tay hay miếng vải cuộn lại, đặt lên vết thương và băng ép lên vết thương. Có thể dùng cánh tay hay bàn tay bên đối diện hoặc thanh gỗ đặt phía bên cổ đối diện để làm thanh tựa cố định băng ép mà không làm ngạt nạn nhân.

Tuấn Dũng – Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuu-song-benh-nhan-bi-dut-tinh-mach-canh-do-tai-nan-lao-dong-169240801094118895.htm