Cứu sống bệnh nhân cao tuổi, vỡ túi phình động mạch chủ bụng nguy kịch
Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa cấp cứu thành công, cứu sống một bệnh nhân vỡ phình động mạch chủ bụng trong tình trạng nguy kịch, được bệnh viện tuyến dưới tỉnh Vĩnh Long chuyển viện lên.
Hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu.
Bệnh nhân nam T.H.L (72 tuổi, ngụ tại tỉnh Vĩnh Long) nhập viện ngày 7/8 trong tình trạng mệt, khó thở, da niêm nhợt, mạch khó bắt, huyết áp không đo được… tiên lượng tử vong cao do vỡ phình động mạch chủ bụng.
Quá trình phẫu thuật, ê kíp các bác sĩ mở thám sát ổ bụng, ghi nhận nhiều dịch máu loãng, máu tụ phía sau phúc mạc xung quanh động mạch chủ bụng nhiều từ cơ hoành đến hố chậu, túi phình vỡ thành bên dài 4 cm, khó dò vị trí miệng túi phình vì mạch đập qua yếu. Các bác sĩ đã dùng kẹp mạch máu kẹp động mạch chủ bụng, bơm máu từ từ đến khi huyết áp tăng trở về gần bình thường, cắt túi phình thay bằng ống ghép nhân tạo…
Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Văn Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ nhận định: Đây là trường hợp sống sót hy hữu vì tình trạng vỡ phình động mạch chủ bụng nguy kịch, tuổi cao, mất thời gian chuyển viện trên quãng đường dài.
Bác sĩ Phương cho biết thêm, động mạch chủ là động mạch lớn nhất của cơ thể. Động mạch chủ bụng cung cấp máu cho toàn bộ các tạng trong ổ bụng và nửa thân dưới. Đường kính động mạch chủ bụng của người Việt Nam trung bình từ 16 - 20mm. Bệnh nhân được chẩn đoán phình động mạch chủ khi đoạn động mạch bệnh lý lớn hơn 30mm.
Biến chứng nguy hiểm nhất của phình động mạch chủ bụng là vỡ. Đây là một cấp cứu y khoa khẩn cấp và rủi ro cao vì bệnh nhân phải đối diện với tình trạng chảy máu không kiểm soát, tràn máu ổ bụng, sốc mất máu, trụy tim… đe dọa đến tính mạng. Hơn thế nữa, những bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ bụng nếu không can thiệp kịp thời còn có nguy cơ cao để lại nhiều di chứng như shock giảm thể tích, thuyên tắc động mạch, suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não…
Các bác sĩ khuyến cáo: Phình động mạch chủ bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, vì thế việc khám sức khỏe định kỳ đều đặn có thể giúp bệnh nhân được phát hiện và điều trị bệnh sớm. Đặc biệt lưu ý ở nhóm những người có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ bụng, những người trên 60 tuổi có tiền sử hút thuốc lá hay tăng huyết áp và cholesterol cao, người có triệu chứng đau bụng quanh rốn…
Cách tốt nhất để phòng ngừa và kiểm soát bệnh phình động mạch chủ bụng là giữ cho mạch máu khỏe mạnh bằng cách thiết lập nếp sinh hoạt khoa học: không hút thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục đều đặn, tránh công việc áp lực cao gây stress…