Cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiếm 100.000 người mới có 1 người mắc phải
Ê- kíp phẫu thuật tim của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị bệnh nang màng ngoài tim, đây là một bệnh lý rất hiếm gặp.
Ngày 25/9, BS.CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật tim thành công cho một bệnh nhân bị nang màng ngoài tim.
Theo đó, bệnh nhân Phan Đình Xuân (67 tuổi, ngụ tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) bị đau ngực trái âm ỉ kéo dài nhiều tháng nhưng uống thuốc không giảm. Trong một tháng gần đây, bệnh nhân có triệu chứng khó thở nên vào bệnh viện địa phương khám và phát hiện nang màng ngoài tim. Đến ngày 16/9, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.
Kết quả sau khi khám lâm sàng kết hợp chụp MSCT lồng ngực có tiêm thuốc cản quang, các bác sĩ phát hiện một khối nang màng ngoài tim kích thước lớn khoảng 40x 70mm nằm cạnh động mạch chủ ngực lên và chèn ép vào tâm nhĩ phải.
Đến ngày 24/9, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành mở ngực nhỏ 1/3 trên xương ức, vào khoang màng ngoài tim. Với kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu - MICS cho phép phẫu thuật viên tiếp cận nang và phẫu thuật dễ dàng. Các bác sĩ ghi nhận có 1 khối nang kích thước 40x70mm nằm cạnh động mạch chủ ngực lên, chèn vào nhỉ phải; bộc lộ cuống nang nằm sát trên động mạch phổi phải. Sau đó, ê kíp phẫu thuật đã kẹp và khâu cột cuống nang và lấy trọn khối nang ra ngoài. Tiếp theo, các bác sĩ cầm máu kỹ, đặt ống dẫn lưu màng phổi phải và dẫn lưu màng tim. Sau 90 phút, ca phẫu thuật thành công.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã rút nội khí quản, tỉnh tiếp xúc tốt, hết khó thở và tiếp tục được theo dõi điều trị tại khu hậu phẫu mổ tim.
Theo Ths.BS Lâm Việt Triều - Trưởng khoa phẫu thuật tim cho biết: Nang màng tim là bệnh lý rất hiếm với tỷ lệ là 1/100.000 người và hầu hết phát hiện tình cờ hoặc khi có biến chứng.
Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp phẫu thuật đã sử dụng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu - MICS giúp cho bệnh nhân đỡ đau, tránh mất vững xương ức, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, giảm nguy cơ chảy máu và đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân. Hiện nay, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đang là xu hướng mà các phẫu thuật viên hướng tới và áp dụng.