Cứu sống bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt
Sáng 4-11, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức họp báo thông tin về Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận cấp cứu kịp thời và điều trị thành công cho một bệnh nhân bị điện giật ngưng tim, ngưng thở thông qua kỹ thuật hạ thân nhiệt - đây là một kỹ thuật mới đã được Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng để điều trị thành công cho nhiều trường hợp thời gian qua.
Sáng 4-11, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức họp báo thông tin về Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận cấp cứu kịp thời và điều trị thành công cho một bệnh nhân bị điện giật ngưng tim, ngưng thở thông qua kỹ thuật hạ thân nhiệt - đây là một kỹ thuật mới đã được Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng để điều trị thành công cho nhiều trường hợp thời gian qua.
Theo bác sĩ CKII Đặng Quý Đức, Phó Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là trường hợp của một bệnh nhân nam, 26 tuổi làm thợ điện. Trong quá trình sửa điện, bệnh nhân đã bị điện giật, té xuống, ngưng tim, ngưng thở, được người nhà phát hiện rồi sơ cứu sau đó đưa đến Bệnh viện huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Tại Bệnh viện Bình Chánh, bệnh nhân được hồi sức ngưng tim, ngưng thở, sau đó lập tức chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy,
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật tương đối mới gọi là hạ thân nhiệt. Đây là một kỹ thuật giúp cho bệnh nhân giảm thiểu những tổn thương lên não, lên tim.
Theo bác sĩ Đức, lúc vào Chợ Rẫy, bệnh nhân hôn mê sâu hoàn toàn, không có đáp ứng với kích thích đau. Chỉ sau một ngày làm kỹ thuật hạ thân nhiệt, bệnh nhân đã từ từ hồi tỉnh, và sau hai ngày thì bệnh nhân hồi phục hoàn toàn về ý thức, tri giác.
Kỹ thuật hạ thân nhiệt là làm lạnh chủ động để đưa thân nhiệt bệnh nhân xuống 33 đến 36 độ C, kỹ thuật này bệnh viện đã áp dụng cho nhiều bệnh nhân và đều có kết quả tốt. Trên thế giới, kỹ thuật này có hai phương pháp để làm, một là kiểm soát thân nhiệt nội mạch, hoặc kiểm soát thân nhiệt bề mặt và bệnh viện đều áp dụng cả hai kỹ thuật này. Kỹ thuật hạ thân nhiệt trên thế giới đã sử dụng từ lâu, gần đây được Bệnh viện Chợ Rẫy quan tâm vì hiện tượng bệnh nhân bị đột tử, ngưng tim bên ngoài cộng đồng khá nhiều, việc sơ cứu, cấp cứu để bảo tồn não, cũng như tim và các cơ quan nội tạng thì ít được quan tâm. Chính vì lẽ đó, mà kỹ thuật này ngày càng được sử dụng nhiều hơn để mang lợi ích cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đặng Quý Đức cũng lưu ý, khi phát hiện người nhà ngưng tim, ngưng thở thì phải làm biện pháp sơ cứu để bảo tồn lưu lượng máu nuôi não, nuôi tim, nuôi các cơ quan nội tạng quan trọng cho bệnh nhân, và phải nhanh chóng chở bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu cơ sở y tế không làm được kỹ thuật hạ thân nhiệt thì phải hồi sức cấp cứu ngưng tim, ngưng thở cao cấp hơn; sau đó chuyển đến trung tâm có thể áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để có thể điều trị tốt cho bệnh nhân phục hồi ý thức, tri giác cũng như trở lại sinh hoạt bình thường như trước đây.