Cứu sống bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 kèm vỡ túi phình mạch máu não nguy kịch
Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa can thiệp nội mạch, cứu sống bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 kèm vỡ túi phình mạch máu não nguy kịch.
Theo đó, bệnh nhân nữ N.T.K.T (sinh năm 1983, ngụ tại Hậu Giang) nhập viện ngày 5/1 trong tình trạng huyết áp tăng cao, đau đầu nhiều, dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não ghi nhận bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện và túi phình động mạch thông trước, kích thước 4x4mm. Bệnh nhân còn có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị. Các bác sĩ tiến hành hồi sức nội khoa tích cực, ổn định huyết áp.
Ngày 14/1, bệnh nhân được chỉ định chụp và nút phình động mạch số xóa nền. Các bác sĩ đã thả 3 vòng xoắn kim loại (coil) bít hoàn toàn túi phình. Kỹ thuật diễn ra thành công sau 1 giờ can thiệp. Một tuần sau điều trị, hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không yếu liệt chi, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đồng thời quá trình điều trị COVID-19 đang tiến triển thuận lợi, được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Đột quỵ.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hà Tấn Đức - Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Túi phình mạch máu não là hậu quả của quá trình suy yếu các lớp của thành mạch máu, dẫn đến hình thành phình mạch não. Biến chứng nguy hiểm của túi phình mạch não là vỡ túi phình gây xuất huyết dưới nhện với tỉ lệ tử vong lên đến 45-65%. Trong đó, khoảng 12% trường hợp tử vong ngay lập tức, khoảng 20% người còn sống vẫn phải cần sự trợ giúp của người khác trong các hoạt động thường ngày.
Vỡ phình động mạch não là một cấp cứu nội khoa với phương pháp điều trị tốt nhất là can thiệp nội mạch. Mục đích của can thiệp là thả coil vào túi phình, loại bỏ phình mạch ngăn chặn chảy máu tái phát do vỡ lại. Trên một bệnh nhân mắc COVID-19, việc chẩn đoán và điều trị vỡ phình mạch não trở nên khó khăn hơn do các triệu chứng của vỡ phình mạch có thể bị che lấp bởi các triệu chứng của COVID-19.
Bản thân việc mắc COVID-19 cũng làm xấu hơn tổng trạng của bệnh nhân, từ đó khiến tiên lượng khi vỡ phình mạch não của người bệnh xấu hơn những người không mắc COVID-19. Việc phải đảm bảo điều trị nhanh chóng và chính xác phình mạch não để cứu sống người bệnh vừa phải đảm bảo công tác an toàn dịch tễ phòng, chống dịch COVID-19 đặt ra nhiều thử thách cho nhân viên y tế.