Cứu sống bệnh nhân suy tim có khối u hiếm gặp
Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật loại bỏ khối u tuyến giáp lớn, chèn ép khí quản trên một bệnh nhân 72 tuổi có tiền sử suy tim, giúp người bệnh qua cơn nguy kịch và hồi phục nhanh chóng.

Ê-kip phẫu thuật tiến hành bóc tách khối u nằm ở vị trí khó.
Bệnh nhân là bà T.T.Đ., cư trú tại Thường Tín (Hà Nội), từng phẫu thuật tuyến giáp năm 2007 và được theo dõi định kỳ với chẩn đoán u lành. Đồng thời, 10 năm nay, bệnh nhân điều trị suy tim độ III, uống thuốc theo đơn của bệnh viện.
Gần đây, bà thấy u vùng cổ to dần, thỉnh thoảng khó thở nhẹ thì có đi khám nhưng không điều trị gì và tiếp tục theo dõi. Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân nuốt vướng, khó thở rít nhiều, tăng dần, phải ngủ ở tư thế ngồi.
Các bác sĩ xác định bệnh nhân có khối u thùy phải tuyến giáp kích thước 6x8cm nằm chui giữa thực quản phía sau và ép khí quản phần màng phía trước. Khí quản bị kẹt giữa khớp ức và khối u nên bệnh nhân khó thở, phải sử dụng ô-xy hỗ trợ liên tục.

Hình ảnh đường thở khoảng hẹp nhất 2mm trên đoạn dài 20mm.
Các kết quả chụp cắt lớp cho thấy khối u chèn ép nghiêm trọng lên khí quản và thực quản, khiến đường thở chỉ còn khoảng hẹp nhất 2mm trên đoạn dài 20mm kéo dài từ góc hàm bên phải tới trung thất trên gây biến dạng giải phẫu.
Đáng chú ý, khí quản của bệnh nhân bị đẩy lệch trái 2cm, xẹp, dễ co thắt, khiến việc tiếp cận và bóc tách gặp nhiều rủi ro. Khối u tăng sinh mạch rất mạnh, nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật cao.
Ngay lập tức, một hội chẩn liên chuyên khoa giữa Khoa Ngoại Đầu cổ và Khoa Gây mê hồi sức được tiến hành. Đứng trước nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp, dưới chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện quyết tâm phẫu thuật cho bệnh nhân, các bác sĩ đã thống nhất phương án cấp cứu.

Hình ảnh khối u chèn ép khí quản và thực quản.
TS, BS Đàm Trọng Nghĩa – Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ nhận định: “Đây là khối u lành nhưng có vị trí rất hiếm gặp và phức tạp. Bệnh nhân lại có nhiều yếu tố nguy cơ như tuổi cao, tiền sử mổ giáp, bệnh tim mạch và viêm phổi hai bên. Toàn bộ quá trình gây mê, mổ và hồi sức đều cần sự cẩn trọng tối đa.”
Các bác sĩ đã điều trị trước mổ cho bệnh nhân thở ô-xy, Kháng sinh, chống viêm Corticoide và chuẩn bị đầy đủ các thuốc, trang thiết bị máy móc cấp cứu và đánh giá kỹ tình trạng tim phổi trước khi tiến hành gây mê.
Theo BSCKII. Hà Kim Hảo, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, việc đặt nội khí quản gây mê gặp thách thức lớn do khí quản di lệch nhiều, đường thở quá hẹp, phải sử dụng ống nội khí quản kích thước nhỏ. Đồng thời bệnh nhân tiền sử bệnh suy tim độ III, đang điều trị thường xuyên.

Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân có thể tự thở và sinh hoạt bình thường.
Trong ca mổ kéo dài hơn 3 giờ, ê-kip phẫu thuật phải "đi ngược dòng", lần theo cấu trúc giải phẫu đã biến dạng để tiếp cận khối u.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã kiểm soát mạch máu, cầm máu triệt để, bóc tách tỉ mỉ để lấy trọn khối u mà không làm tổn thương thực quản, khí quản, thanh quản và đặc biệt không phải mở khí quản, điều thường xảy ra ở các ca khó tương tự. Trong mổ kiểm tra đoạn khí quản bị u thùy phải tuyến giáp chèn ép xẹp, mềm, dài 2cm.
Bà T.T.Đ chia sẻ: “Trước ca mổ, tôi và gia đình vô cùng lo lắng. Nay được thở bình thường trở lại, tôi như sống lại lần nữa”.
Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được an thần thở máy điều trị chăm sóc tại đơn vị hồi sức tích cực. Chỉ sau 3 ngày, bà đã có thể tự thở, ăn uống và sinh hoạt bình thường trở lại.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cuu-song-benh-nhan-suy-tim-co-khoi-u-hiem-gap-post893474.html