Lần đầu qua đêm ở nhà vợ sắp cưới, tôi quyết định sẽ ở rể để vợ không phải cô đơn trong hành trình làm mẹ
Tôi từng nghĩ mang bầu chỉ là 'nghén chút rồi qua', cho đến một đêm mưa lớn, tôi chứng kiến mẹ vợ thức trắng chăm con gái đang mệt lả vì nghén.
Tôi và vợ yêu nhau gần một năm thì cô ấy báo tin có thai bằng một dòng tin nhắn ngắn gọn: “Hình như em dính bầu rồi…”
Tôi đọc tin nhắn mà cảm xúc lẫn lộn: vừa mừng vừa lo. Mừng vì chúng tôi vốn định năm sau mới cưới, nay con đến sớm coi như lộc trời cho. Lo vì vợ tôi vốn thể trạng yếu, trước từng bị dọa sảy ở tuần thứ 5. Sau khi nghe tin, cả hai bên gia đình đều giục cưới gấp, tránh để cô ấy suy nghĩ nhiều dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe.
Chúng tôi thống nhất sẽ tổ chức đám cưới nhỏ trong vòng ba tháng. Trong thời gian chuẩn bị, tôi vẫn ở nhà bố mẹ đẻ, còn vợ thì sống cùng mẹ ruột, bố cô ấy mất từ khi cô còn học cấp hai. Vợ tôi nghén khủng khiếp, gầy rộc đi, mặt mũi lúc nào cũng xanh xao. Mỗi sáng, tôi đều tranh thủ mua bánh quy và sữa chua đưa qua cho cô ấy lót dạ trước khi đi làm. Nhưng thú thực, tôi vẫn chưa thể hình dung rõ ràng cuộc sống của một người phụ nữ mang thai sẽ vất vả ra sao cho đến cái đêm mưa hôm ấy.
Hôm đó, Hà Nội mưa như trút nước. Tôi tan làm muộn, đường ngập. Nhà bố mẹ tôi thì xa hơn chục cây số, còn nhà vợ sắp cưới chỉ cách vài phút chạy xe. Tôi gọi:
– Em ngủ chưa? Anh ghé qua được không?
– Em chưa, mẹ cũng còn thức. Mưa to quá, anh đến đi.
Tôi đến nơi người ướt sũng, mùi mưa và bùn đất bám đầy áo quần. Mẹ vợ tương lai đưa tôi chiếc khăn bông lớn, bắt thay đồ ngay kẻo cảm. Vợ tôi ngồi tựa lưng vào ghế, ôm bụng, mệt mỏi nhưng vẫn cố nở nụ cười. Mẹ giục: "Con vào giường nằm đi, ngồi thế mỏi lưng lắm."
Mẹ vợ vào bếp nấu bát cháo trắng, thổi nguội rồi đút từng thìa cho con gái ăn chống đói lúc nửa đêm. Nhìn bà nhỏ nhắn, tóc điểm bạc, tôi bỗng nghẹn nơi cổ họng. Tôi chưa từng nghĩ bầu bí lại cực đến vậy.
Trời vẫn mưa rào rào, mẹ vợ bảo tôi ngủ lại phòng bên: "Sáng mưa ngớt hẵng về."
Đêm đó, tôi trằn trọc. Ngoài kia là tiếng mưa, bên kia vách là tiếng vợ thở nặng nhọc. Đến gần 1 giờ sáng, tôi nghe tiếng mẹ vợ thì thầm:
– Con ơi, nếu mệt thì nói mẹ nhé, mẹ còn biết đường nấu thêm gì cho dễ tiêu.
– Dạ, con không sao mẹ ạ.
Và rồi là câu nói khiến tôi nhớ mãi: "Có con gái mang bầu mới biết thương. Giá mà bố con còn, chắc ông ấy cũng xót con như mẹ bây giờ..."
Giọng bà nghẹn lại. Tôi nằm trong bóng tối, mắt cay xè.

Ảnh minh họa.
Sáng hôm sau, trời đã tạnh mưa. Tôi dậy sớm, thấy mẹ vợ cặm cụi nấu cháo, còn vợ ngồi tựa vào ghế, tóc rối, mắt thâm quầng. Cảnh ấy khiến tôi nghĩ: nếu sau cưới mà vợ tôi phải sống riêng, liệu tôi có đủ khéo léo, đủ kiên nhẫn để chăm sóc cô ấy?
Trên đường đi làm, tôi nhắn tin: "Mẹ ơi, hay sau này con ở rể nhé. Để vợ con có mẹ bên cạnh."
Mẹ vợ gọi lại, giọng lạc đi vì xúc động: "Ở đâu chẳng được, miễn là các con hạnh phúc. Nhưng mẹ mừng vì con hiểu."
Khi biết chuyện, vợ tôi đã khóc.
– Em cứ sợ anh ngại điều tiếng…
Tôi chỉ cười: " Anh chỉ sợ em vất vả thôi."
Từ hôm đó, tôi bắt đầu học cách nấu cháo, học vắt cam, học đỡ lưng vợ khi cô ấy đau, chuẩn bị đồ ăn nhẹ bên giường để vợ có thể ăn đêm. Giờ cô ấy đã bầu hơn 6 tháng, bụng nhô cao, đi lại chậm chạp, vẫn hơi nghén nhưng khuôn mặt sáng bừng hạnh phúc.
Mẹ vợ đùa: "Mẹ giờ là “trợ lý đặc biệt” cho hai đứa rồi nhé."
Tôi chỉ cười. Ở rể, với nhiều người là thiệt thòi. Nhưng với tôi, đó là sự lựa chọn đầy tự hào – để bảo vệ người phụ nữ tôi yêu và đứa trẻ đang lớn lên từng ngày trong bụng mẹ.