Cứu sống mẹ con sản phụ bị cơ tim chu sinh

Sản phụ 32 tuổi mắc bệnh cơ tim chu sinh ở tuần thai 36 được ê-kíp bác sĩ mổ lấy thai giúp cả mẹ và bé đều an toàn.

 Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật cho sản phụ

Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật cho sản phụ

Theo đó, sản phụ là chị T.T.K.A. (32 tuổi, ngụ TPHCM) mang thai ở tuần 36, con đầu lòng, thai thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhập viện trong tình trạng khó thở nhẹ, phù chân, bệnh đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp.

Qua thăm khám, chỉ định siêu âm tim và thực hiện một số xét nghiệm máu, các bác sĩ đã chẩn đoán sản phụ mắc bệnh cơ tim chu sinh. Trước đó, sản phụ từng theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện, được các bác sĩ sản phụ khoa kiểm soát tốt đái tháo đường thai kỳ và bệnh tăng huyết áp.

Ê-kip bác sĩ đã hội chẩn và quyết định mổ lấy thai giúp mẹ và bé vượt qua hiểm nghèo. 5 ngày sau mổ, sức khỏe sản phụ ổn định, em bé khỏe mạnh và đã được xuất viện.

Cơ tim chu sinh là bệnh cơ tim dãn nở có biểu hiện của tình trạng suy chức năng thất trái. Bệnh thường xảy ra ở thai phụ vào tháng cuối của thai kỳ hoặc trong vòng 5 tháng đầu sau khi sinh mà không xác định nguyên nhân khác gây suy tim.

Triệu chứng của bệnh rất dễ gây nhầm lẫn và dễ bị bỏ sót do trùng hợp với những dấu hiệu khi đang mang thai như khó thở, mệt, phù ở mắt cá chân, tim đập nhanh… Do đó, để chẩn đoán một bệnh nhân có dấu hiệu bệnh cơ tim chu sinh, bác sĩ luôn phải rất kỹ lưỡng trong thăm khám và theo dõi thai kỳ.

5 ngày sau mổ, sức khỏe sản phụ ổn định, em bé khỏe mạnh và đã được xuất viện.

5 ngày sau mổ, sức khỏe sản phụ ổn định, em bé khỏe mạnh và đã được xuất viện.

BS.CKII. Phạm Minh Khôi Nguyên, phẫu thuật viên chính của ca phẫu thuật cho biết, bệnh cơ tim chu sinh là bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu xảy ra, bệnh có tiên lượng rất nặng. Bệnh có tần suất thấp khoảng 1/900 ca. Tỉ lệ tử vong khá cao, tỉ lệ này có thể khác nhau tùy theo những nhóm nghiên cứu. Nếu phát hiện sản phụ có bệnh cơ tim chu sinh thì phải cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ để ổn định tình trạng bệnh lý nội khoa của mẹ.

Nguy cơ cao nhất của bệnh cơ tim chu sinh là ngưng tim trong thời gian mổ. Khi mổ, bệnh nhân phải chịu đựng một áp lực lớn của phẫu thuật, đồng thời cơ tim chịu sự thay đổi lớn trong thời gian mổ do chảy máu, vấn đề hồi lưu máu từ tử cung co hồi sau sinh.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu sản phụ có tiền căn bệnh cơ tim chu sinh trong thai kỳ trước, khi có dự định mang thai tiếp thì phải khám tim mạch để đánh giá lại tình trạng tim mạch tiền sản. Bởi vì những trường hợp chức năng thất trái không phục hồi hoàn toàn có thể diễn tiến rất nặng trong thai kỳ tiếp theo. Những trường hợp mang thai có tiền sử bệnh cơ tim chu sinh cần theo dõi sát tình trạng tim mạch trong thai kỳ.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cuu-song-me-con-san-phu-bi-co-tim-chu-sinh-20240824124634267.htm