Cứu sống nam thanh niên bị điện giật nguy kịch
Thanh niên 22 tuổi bị điện giật ngã bất tỉnh khi đang hàn sắt tại nhà, các bác sĩ phải điều trị tích cực trong 3 ngày để cứu mạng.
Ngày 12/5, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện vừa cứu sống một ca bệnh nguy kịch do bị điện giật khi đang làm việc tại nhà.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Hữu T. (22 tuổi) ở Cẩm Khê (Phú Thọ). Ngày 5/5 khi đang dùng máy hàn để hàn sắt tại nhà, anh bị điện giật ngã bất tỉnh. Anh T. được người nhà đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu toan chuyển hóa nặng, suy thận, tiêu cơ vân cấp.
Ngay lập tức, bệnh nhân được thở máy, lọc máu liên tục, dùng kháng sinh. Sau 3 ngày điều trị tích cực, anh T. đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, tình trạng ổn định, có thể ra viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Bùi Xuân Khánh - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc khuyến cáo người dân cần chú ý an toàn khi sử dụng các thiết bị điện trong lao động để tránh xảy ra tai nạn không đáng có, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.
* Cách cấp cứu người bị điện giật
Khi phát hiện người bị điện giật phải nhanh chóng tìm cách tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt thiết bị đóng cắt điện (cầu dao, CB) hoặc rút phích cắm, cầu chì….
Sau khi đã tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện phải tùy vào các hiện tượng sau đây để xử lý thích hợp:
- Người bị nạn chưa mất trí giác
Để nạn nhân ra chỗ thoáng khí, yên tĩnh chăm sóc cho hồi tỉnh.
Sau đó mời y, bác sĩ hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, chăm sóc.
- Người bị nạn đã mất trí giác
Đặt nạn nhân nơi thoáng khí, yên tĩnh.
Nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong miệng người bị nạn ra.
Cho người bị nạn ngửi amoniac hoặc nước tiểu.
Ma sát toàn thân người bị nạn cho nóng lên.
Mời y, bác sỹ đến hoặc đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi chăm sóc.
- Người bị nạn đã tắt thở
Đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí;
Nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong miệng người bị nạn ra. Nếu lưỡi thụt vào thì phải kéo ra.
Tiến hành làm hô hấp nhân tạo ngay (theo nội dung trang sau), phải làm liên tục, kiên trì cho đến khi có ý kiến của y, bác sĩ quyết định mới thôi.