Cứu sống ngoạn mục bé 2 tuổi rơi vào hồ cá koi đuối nước

Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng kháng sinh, vận mạch, đặc biệt áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy giúp trẻ hồi sinh kỳ diệu.

Trẻ đuối nước hồi sinh kỳ diệu

Ngày 22/7, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, cháu N.T.T.N. (2 tuổi, trú tại xã Lộc An, TP Huế) xuất viện sau gần 2 tuần điều trị tích cực vì tai nạn đuối nước ngưng tim tại nhà.

Ngày 6/7, bé M. bị ngã vào hồ cá koi trong sân nhà, không rõ thời gian ngâm nước bao lâu. Khi được phát hiện, bé hôn mê, tím tái, ngưng thở, không phản ứng.

Người nhà hồi sức tim phổi tại chỗ trong vòng 2 phút. Bé có cử động trở lại, thở rên yếu và được đưa đến trạm y tế xã, sau đó chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế.

Bé 2 tuổi bị đuối nước sau khi rơi vào hồ cá coi.

Bé 2 tuổi bị đuối nước sau khi rơi vào hồ cá coi.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhi hôn mê sâu, SpO₂ chỉ còn 80% dù thở oxy, ran ẩm nặng hai phổi, tiên lượng cực kỳ nặng. Các bác sĩ triển khai điều trị hồi sức tích cực bằng việc đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng kháng sinh, vận mạch, đặc biệt áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Sau 5 ngày, bệnh nhi được cai máy thở, đến ngày thứ 7 chuyển ra khỏi phòng hồi sức. Hiện có thể đi lại, ăn uống bình thường, không để lại di chứng thần kinh rõ rệt.

Bệnh nhi hồi sinh kỳ diệu sau gần 2 tuần điều trị.

Bệnh nhi hồi sinh kỳ diệu sau gần 2 tuần điều trị.

ThS.BCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật điều trị tiên tiến, được sử dụng để giảm nhiệt độ cơ thể có kiểm soát (khoảng 33 - 34°C) trong 24 - 72 giờ.

Từ tháng 4-6/2025, Khoa Hồi sức Tích cực - Cấp cứu Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) tiếp nhận 10 trẻ bị đuối nước nặng. Tất cả được cứu sống, tuy nhiên đa phần phải đối mặt với di chứng thần kinh nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng sống.

Phương pháp này nhằm giảm nhu cầu chuyển hóa của não bộ, ổn định màng tế bào, hạn chế phù não và tổn thương thứ phát do thiếu oxy. Ngoài ra, ngăn chặn phản ứng viêm lan rộng và bảo vệ chức năng thần kinh lâu dài

Trong trường hợp trẻ bị ngạt nước và ngưng tim, dù được cứu sống nhưng nguy cơ di chứng thần kinh rất cao, như co giật, hôn mê kéo dài, chậm phát triển tâm thần vận động. Hạ thân nhiệt chỉ huy giúp tăng khả năng phục hồi não, giảm nguy cơ tàn tật và tử vong muộn.

Làm gì để phòng đuối nước cho trẻ?

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, tai nạn đuối nước không báo trước, nhưng để lại nỗi đau lâu dài nếu chủ quan. Một phút lơ là có thể đánh đổi cả một cuộc đời. Khi phát hiện trẻ đuối nước, việc sơ cứu đúng tại hiện trường đóng vai trò sống còn.

Đưa trẻ ra khỏi nước càng sớm càng tốt:

Gọi người hỗ trợ nếu cần.

Di chuyển đến nơi khô ráo, đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng cứng.

Kiểm tra phản ứng và hơi thở:

Gọi, lay nhẹ không đáp ứng.

Kiểm tra thở: Nhìn ngực, nghe, cảm nhận hơi thở.

Nếu trẻ không thở tiến hành hồi sức tim phổi:

Chu kỳ: 15 ép tim + 2 thổi ngạt.

Vị trí ép: Giữa ngực, dùng 2 ngón tay (trẻ nhỏ) hoặc 1 tay (trẻ lớn).

Tần số: 100–120 lần/phút Thổi ngạt: nhẹ nhàng, quan sát ngực nâng lên.

Sau 5 chu kỳ (~2 phút) gọi cấp cứu nếu chưa gọi.

Không dốc ngược người, vỗ lưng, cố ép nôn nước – dễ làm trẻ ngưng tim trở lại.

Nếu trẻ thở yếu hoặc hôn mê đặt nằm nghiêng an toàn:

Giữ ấm, theo dõi sát và đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức

Dù đã tỉnh, trẻ vẫn cần nhập viện theo dõi:

Để tránh biến chứng muộn: phù phổi, rối loạn nhịp, tổn thương não

Để phòng ngừa đuối nước:

Luôn giám sát trẻ khi gần nước.

Rào chắn ao hồ, bể nước, hồ cá... trong nhà.

Dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước.

Trang bị kiến thức sơ cứu cho phụ huynh, thầy cô.

Tuyệt đối không để trẻ tự chơi gần nước.

Tăng cường truyền thông trong cộng đồng, trường học.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuu-song-ngoan-muc-be-2-tuoi-roi-vao-ho-ca-koi-duoi-nuoc-169250722075647756.htm