Cứu sông, vịnh Hạ Long khi chưa quá muộn
Sông Diễn Vọng bị bồi lấp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy với người dân sinh sống hai bên bờ và cả vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới.
Những lợi ích kinh tế trước mắt có thể sẽ chẳng là gì nếu so với hệ lụy môi trường mà nó đem lại, cũng như số tiền phải bỏ ra để khắc phục.
Di sản thiên nhiên thế giới bị uy hiếp
Hậu quả của việc sông Diễn Vọng bị bồi lấp đã ảnh hưởng lớn tới nhiều diện tích đất canh tác nông - lâm nghiệp, khiến hàng nghìn hộ dân phải để đất hoang hóa, chuyển đi nơi khác sinh sống. Đập Đá Bạc trên sông Diễn Vọng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân một số khu vực TP Hạ Long, TP Cẩm Phả cũng bị lấp đầy, không còn tác dụng khiến cơ quan chức năng phải xây đập Cao Vân từ hơn chục năm trước, gây tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách.
Theo báo cáo về công tác môi trường của UBND TP Cẩm Phả năm 2019, kết quả quan trắc tại đập Đá Bạc có hàm lượng COD vượt 1,96 lần giới hạn cho phép theo quy chuẩn; hàm lượng NH4+ vượt 2,4 lần GHCP...
Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, sông Diễn Vọng bị bồi lắng ở khu vực hạ lưu, không kịp tiêu thoát nước đã gây ra hậu quả trực tiếp cho nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở khu vực thượng nguồn. Điển hình là trong trận lũ lịch sử năm 2015, thôn Khe Sím, xã Dương Huy (TP Cẩm Phả) đã có 75 gia đình bị ngập lụt gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Công ty Than Quang Hanh - TKV cũng bị thiệt hại trên 80 tỷ đồng sau trận lũ lịch sử này…
Trước an nguy của người dân thôn Khe Sím, xã Dương Huy, từ năm 2015 đến nay, TP Cẩm Phả đã di dời 96 hộ dân với tổng kinh phí lên tới gần 141 tỷ đồng. Mặc dù vậy, hiện nay ở khu vực nguy cơ ngập lụt dọc các suối và sông Diễn Vọng thuộc địa phận phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, vẫn còn hàng chục hộ dân có nguy cơ bị đe dọa tính mạng, tài sản vào mùa mưa, lũ.
Thế nhưng, mối quan ngại nhất nếu sông Diễn Vọng bị “bức tử” chính là sự an toàn của vịnh Hạ Long. Bởi sông Diễn Vọng đấu nối với sông Bang đổ ra sông Cửa Lục và sẽ đổ thẳng ra biển. Và nếu vịnh Hạ Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cảng Cái Lân, cảng Xăng Dầu B12 nằm ngay sông Cửa Lục cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng. Nhất là, dòng sông Bang hiện nay cũng có hàng loạt các dự án, công trình đang tác động tiêu cực đến môi trường, dòng chảy.
Điển hình là phân xưởng Hà Ráng thuộc Công ty Than Hạ Long - TKV tuy đang triển khai hoàn nguyên môi trường nhưng qua quan sát, lượng đất, đá cuốn trôi ra sông Bang cũng không phải ít. Và khi 2 con sông này đều bị bồi, lắng quá tải, thì khi mùa mưa, lũ đến, hàng triệu m3 đất, đá sẽ đi đâu, nếu không tuôn thẳng xuống vịnh Hạ Long?
Nạo vét một đoạn sông là chưa đủ
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Trìu, Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh), cho biết: Vấn đề bồi lắng sông Diễn Vọng đang được cơ quan chức năng phối hợp nghiên cứu. Hiện tại, Sở TN-MT đang tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Đề án đánh giá mức chịu tải các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh để phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có sông Bang, sông Diễn Vọng…
Tuy nhiên, hiện nay chưa có một công trình nào nghiên cứu, đánh giá sự tác động của sông Bang, sông Diễn Vọng đối với vịnh Hạ Long do việc khai thác than ở khu vực thượng nguồn…
“
Thực hiện chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, theo Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh và 1 số văn bản khác, tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo đóng cửa hàng loạt mỏ lộ thiên, trong đó có khu vực thượng nguồn sông Diễn Vọng. Theo lộ trình đó, đến năm 2030, toàn Quảng Ninh chỉ còn duy nhất 1 mỏ khai thác than lộ thiên.
”
Được biết, ngày 8/4/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Thông báo số 59, trong đó có nêu rõ nội dung giải quyết đề nghị nạo, vét luồng thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm nạo, vét tại khu vực sông Diễn Vọng (đoạn Km 14+00 - Km 18+00) thuộc địa bàn TP Hạ Long (thực tế theo người dân địa phương, đây là đoạn sông Bang chứ không phải sông Diễn Vọng).
Nếu được triển khai, có thể coi đây là một trong những bước đi quan trọng của tỉnh trong việc làm “hồi sinh” sông Bang, sông Diễn Vọng.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế thì hiện nay 2 con sông này đang trở nên quá tải. Nếu chỉ nạo, vét một đoạn sông như thông báo trên của UBND tỉnh Quảng Ninh, chắc chắn sẽ không thể khắc phục được tình trạng hàng triệu m3 đất, đá trôi về phía hạ lưu. Có một thực tế cần thấy nữa là, hiện nay, tại một số nhánh suối ở thượng nguồn sông Diễn Vọng đã được nạo, vét, xây dựng bờ kè nhưng nếu không nạo vét toàn thể sông Bang, sông Diễn Vọng thì việc làm này chỉ tạo điều kiện cho đất, đá đổ nhiều, nhanh ra vùng hạ lưu đổ ra vịnh Hạ Long mà thôi.
Có nên đánh đổi?
Theo tài liệu do cơ quan chức năng của TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) cung cấp thì hiện nay, các dự án sản xuất Công ty Than Quang Hanh - TKV đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong đó, dự án “Duy trì mở rộng khai thác lộ thiên mỏ than Ngã Hai Công ty Than Quang Hanh - TKV” được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 211 ngày 24/2/2012. Dự án này được Bộ TN-MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1392 ngày 22/6/2016. Theo tờ trình của Công ty Than Quang Hanh - TKV, dự án này có tổng diện tích lập quy hoạch gồm: Diện tích khai trường khai thác là 453.836,7m2, diện tích đổ thải là 636.427,2m2.
Có một điều lạ là, trong khi dự án này mới nộp hồ sơ xin chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập Quy hoạch trình UBND TP Cẩm Phả, nhưng TP Cẩm Phả chưa có văn bản chấp thuận để doanh nghiệp trình lên các sở, ban ngành liên quan và UBND tỉnh để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thuê đất, song doanh nghiệp vẫn ngang nhiên “tiền trảm, hậu tấu”, tiến hành khai thác than lộ thiên ồ ạt, đổ thải tràn lan. Mặc dù, đến thời điểm hiện tại, công ty đã kê khai và nộp tiền sử dụng đất của diện tích khai thác lộ thiên đúng đơn giá quy định nhưng vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, từ ngày 1/1/2018 - 30/6/2020, riêng Công ty Than Quang Hanh - TKV đã nộp vào các khoản ngân sách trên 1.160 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khu vực này đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn người lao động và có sự đóng góp đáng kể cho ngân sách. Tuy nhiên, liệu nguồn thu được về ngân sách từ một số doanh nghiệp khai thác than gây bồi lắng sông Diễn Vọng, sông Bang có so sánh được với số tiền sẽ phải bỏ ra để khắc phục, cứu sông, cứu vịnh?
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuu-song-vinh-ha-long-khi-chua-qua-muon-d472090.html