Cứu sự sống cho bệnh nhân hẹp van tim trụy mạch, hôn mê
Trong tình trạng trụy mạch và hôn mê, bệnh nhân Nguyễn Đình Hiếu (SN 2004) được chẩn đoán là dị dạng bẩm sinh van động mạch chủ.
Với sự phối hợp tích cực của các y bác sĩ hai bệnh viện và các đơn vị thuộc Viện tim mạch quốc gia Việt Nam, đặc biệt là TS.BS- PGĐ Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng… phương án tối ưu được thực hiện, mang lại cho bệnh nhân trẻ tuổi này cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh.
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân Nguyễn Đình Hiếu tiền sử không có dấu hiệu bệnh tim mạch, nhập viện bệnh viện Sơn Tây trong tình trạng trụy mạch, hôn mê, đột ngột mất tri giác sau chơi thể thao.
Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim đập trở lại, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, nhanh chóng được chuyển vào khoa cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai, nhập viện ngày 2/1/2021. Được điều trị hạ thân nhiệt và trợ tim trong 10 ngày, bệnh nhân tỉnh dần, được chuyển sang C1 Viện tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai để tìm ra căn nguyên bệnh.
Tại Viện tim mạch, bệnh nhân được chẩn đoán là dị dạng bẩm sinh van động mạch chủ chỉ có 2 lá van (người khỏe mạnh có 3 lá van) gây vôi hóa làm hẹp khít van động mạch chủ. Giải pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân là mổ thay van động mạch chủ. Căn cứ vào tuổi tác, đặc điểm sức khỏe của bệnh nhân và đặc tính các loại van sinh học, van cơ học, van sinh học đặc biệt… các bác sĩ tiến hành hội chẩn, tìm ra phương án: sử dụng kĩ thuật phẫu thuật ROSS-YACOUB - hoán vị van động mạch phổi vào vị trí van động mạch chủ và dùng Homo-graft thay vào vị trí van động mạch phổi đã lấy đi.
“Bệnh nhân còn quá trẻ, đây là lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, kĩ thuật ROSS- YACOUB rất khó so với các phương án khác. Chúng tôi chấp nhận mọi khó khăn, vất vả. Và thật may mắn vì đơn vị Phẫu thuật tim mạch – Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - liên hệ với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, đã tìm được người hiến có cỡ van phù hợp với bệnh nhân” - bác sĩ Dương Đức Hùng phân tích và chia sẻ. Trực tiếp bác sĩ Hùng sẽ thực hiện ca phẫu thuật nhiều thử thách này.
Sau gần 4 tiếng tập trung cao độ, ca mổ thành công tốt đẹp. Bệnh nhân Hiếu đã thở máy, rút ống nội khí quản chỉ sau 10 tiếng. 3 ngày sau, bệnh nhân thoát hồi sức sau mổ, ra bệnh phòng điều trị và ăn uống, đi lại bình thường.
Em Nguyễn Đình Hiếu được cứu sống, không chỉ bằng đôi bàn tay vàng của những y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai mà còn bằng sự nồng ấm từ những trái tim lương y như từ mẫu.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/cuu-su-song-cho-benh-nhan-hep-van-tim-truy-mach-hon-me-631443/