Cựu thẩm phán tòa quốc tế: Không nước nào cư xử như Trung Quốc
Ông Rudiger Wolfrum, cựu thẩm phán Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển, nói việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết năm 2016 chỉ là trường hợp cá biệt luật quốc tế không được tuân thủ.
“Hầu hết quyết định liên quan tới luật biển đều được thực thi rất hiệu quả, đôi khi là chỉ trong vài ngày”, ông Wolfrum - một trong 5 thẩm phán tham gia xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc vào năm 2016 - trả lời Zing bên lề hội thảo Đối thoại Biển lần thứ 8 tại Hà Nội vào ngày 29/6.
Lấy ví dụ, ông Wolfrum chỉ ra phán quyết năm 2014 về tranh chấp ranh giới biển theo UNCLOS giữa Ấn Độ và Bangladesh. Phán quyết này đã lần lượt được Bangladesh chấp nhận sau vài tuần và Ấn Độ sau vài tháng, theo vị cựu thẩm phán.
Một trường hợp khác là khi Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) phán quyết buộc Nhật Bản giảm đánh bắt loại cá ngừ vây xanh phương Nam sau khi New Zealand và Australia đệ đơn kiện vào năm 1999. “Nhật Bản đã thi hành 100%”, ông Wolfrum nói.
Từ đó, vị cựu thẩm phán cho rằng việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết năm 2016 chỉ là một trường hợp. Ông bày tỏ niềm tin vào luật quốc tế và cho rằng chúng không bị “suy yếu” như truyền thông đại chúng phản ánh.
“Không nước nào cư xử như Trung Quốc. Vì thế Trung Quốc phải làm theo các nước khác”, ông nói với Zing.
Hồi năm 2013, Philippines đệ đơn kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ở Biển Đông.
Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện bằng văn bản “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông” và bác bỏ yêu sách của Philippines. Trung Quốc cũng tuyên bố không tuân thủ phán quyết năm 2016.
Theo cựu thẩm phán Wolfrum, khi gia nhập UNCLOS, các nước sẽ có nghĩa vụ nhưng cũng có thêm quyền lợi.
“Bạn sẽ phải tham gia quá trình tố tụng, bạn phải hợp tác với phía bên kia và với tòa trọng tài nhưng bạn cũng có khả năng đệ đơn kiện trước tòa trọng tài. Do đó bạn không thể than phiền về người khác đệ đơn kiện trong khi bạn cũng có thể làm thế”, ông Wolfrum nói.
“Và chúng ta không bao giờ được quên rằng hệ thống giải quyết tranh chấp này được lập ra để làm công cụ phòng tránh xung đột quân sự. Cho tới nay, điều này đã được thực hiện rất tốt”, ông nói.