Cứu thỏa thuận quan trọng, EU cân nhắc nhượng bộ Nga?
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét đề xuất đối với Ngân hàng Nông nghiệp Nga nhằm thành lập một công ty con để kết nối lại với mạng lưới tài chính toàn cầu, qua đó cứu thỏa thuận ngũ cốc.
Financial Times hôm 3-7 cho biết động thái trên của EU nhằm bảo vệ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, qua đó giúp Ukraine xuất khẩu thực phẩm ra thị trường toàn cầu.
Ngân hàng Nông nghiệp Nga đang chịu các biện pháp trừng phạt. Nếu đề xuất của EU thành hiện thực, điều này này có thể cho phép Moscow kết nối lại với mạng lưới tài chính toàn cầu.
Cả Ủy ban châu Âu (EC) lẫn Điện Kremlin đều không bình luận về thông tin trên.
Hồi tháng 7 năm ngoái, Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã môi giới sáng kiến ngũ cốc Biển Đen để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng thực phẩm toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn. Sáng kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng này.
Theo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, hơn 32 triệu tấn chủ yếu là ngô và lúa mì đã được Ukraine xuất khẩu. Hôm 3-7, Nga bày tỏ sự bi quan về triển vọng gia hạn thỏa thuận vì không có tiến bộ nào được thực hiện liên quan tới yêu cầu xuất khẩu của Nga.
Một nhà giao dịch ngũ cốc châu Âu bình luận: "Dường như thỏa thuận ngũ cốc Ukraine sẽ không được gia hạn trừ khi Nga nhận được sự nhượng bộ". Nga tuần trước tuyên bố họ không thấy lý do gì để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc vì phương Tây đã hành động một cách "thái quá" đối với thỏa thuận này.
Là hai trong số nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, Nga và Ukraine là "những người chơi chính" trên thị trường ngũ cốc và hạt có dầu, từ lúa mì và lúa mạch đến dầu hạt cải và dầu hướng dương. Nga cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón.
Trong một diễn biến khác, lượng tài sản và dự trữ của nhà nước Nga mà EU đã đóng băng đã lên đến 207 tỉ euro (226 tỉ USD) kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders hôm 3-7, Ủy ban châu Âu đang thảo luận về khả năng sử dụng số tiền thu được để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.
Khoản tiền khổng lồ kể trên có thể sinh lời 3 tỉ euro mỗi năm. Hơn một nửa số tài sản đó là tiền mặt và tiền gửi, trong khi một số tiền đáng kể là trong thị trường chứng khoán.
Moscow nhiều lần nhấn mạnh bất kỳ sự tịch thu tài sản nào của Nga do các chính phủ phương Tây thực hiện là hành vi trộm cắp và bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.