Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: 'Bài học đắt giá này không chỉ dành riêng cho bị cáo...'

Nói lời sau cùng, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc cho biết, bài học đắt giá hôm nay không chỉ dành riêng cho cá nhân bị cáo mà có thể sẽ còn dành cho những người đang làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nếu không có những cái nhìn nghiêm túc, để có những điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật...

Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương xin lỗi 26 bị cáo

Là người đầu tiên được nói lời sau cùng, bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương cảm ơn HĐXX và các Kiểm sát viên trong những ngày qua đã công tâm xét xử vụ án, đồng thời xin lỗi 26 bị cáo đang đứng trước tòa, ít nhiều vì mình mà đã bị liên đới vướng vòng lao lý, đặc biệt là cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, “mặc dù biết doanh nghiệp vẫn còn những sai sót và đang trong quá trình hoàn thiện nhưng anh ấy đã vì công việc, vì nhiệm vụ được giao mà anh ấy vẫn ký giấy phép”, bị cáo Huấn nói trong ân hận.

 Toàn cảnh phiên tòa.

Toàn cảnh phiên tòa.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Huấn giãi bày về tâm huyết của mình trong quá trình điều hành doanh nghiệp, mong muốn xây dựng nhà máy, mua công nghệ chế biến tốt nhất của nước ngoài về để sản xuất, chế biến sâu quặng đất hiếm vì sự phát triển của công ty, về sự phát triển kinh tế của đất nước… “Trong quá trình hoạt động khai thác, hàng năm đều có các cơ quan chức năng vào kiểm tra nhưng chưa có cơ quan, ban ngành nào nhắc nhở hay nói công ty bị cáo làm sai cả”, bị cáo Huấn cho biết.

 Các Kiểm sát viên đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Các Kiểm sát viên đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Theo bị cáo Huấn, đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam, làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo mới biết bản thân đã có những sai sót trong thủ tục khai thác, chế biến khoáng sản. Với hoàn cảnh phạm tội như vậy, bị cáo Huấn đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc cho mình được hưởng một mức án khoan hồng, để sớm được trở về với gia đình, xã hội và làm lại, tiếp tục thực hiện tâm huyết của mình về chế biến khoáng sản.

 Bị cáo Đoàn Văn Huấn nghẹn ngào nói lời sau cùng.

Bị cáo Đoàn Văn Huấn nghẹn ngào nói lời sau cùng.

Bài học đắt giá không chỉ dành riêng cho cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc - cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: “Trong thời gian 2 năm qua, kể từ khi vụ án này xảy ra, bản thân tôi là người được Đảng và Nhà nước giao cho công tác quản lý khoáng sản, tôi cảm thấy rất ân hận, đau xót cho cá nhân tôi và thấy trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra sai phạm này”.

 Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc tại phiên xét xử.

Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc tại phiên xét xử.

Theo cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong thời gian qua, đã nhận thức được rất nhiều vấn đề trong công tác quản lý khoáng sản ở nước ta, có một số lỗ hổng về cơ chế, chính sách. Bài học đắt giá ngày hôm nay không chỉ dành riêng cho cá nhân bị cáo Ngọc mà có thể sẽ còn dành cho những người đang làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nếu không có những cái nhìn nghiêm túc, để có những điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật sao cho chặt chẽ, nghiêm túc trong công tác quản lý khoáng sản cho đất nước.

Cuối cùng, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc đề nghị HĐXX xem xét cho mình được hưởng lượng khoan hồng với mức hình phạt nhẹ nhất để có thể tiếp tục được cống hiến cho công cuộc bảo vệ môi trường cũng như là biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đề nghị HĐXX cân nhắc giữa công và tội

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Thuấn - cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT chia sẻ về những năm tháng tuổi trẻ của đã cống hiến ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn ở miền Trung - Tây nguyên.

Theo cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, những năm tháng tuổi trẻ đã cùng các đồng nghiệp thăm dò, phát hiện ra nhiều mỏ khoáng sản có giá trị, có quy mô lớn, tầm cỡ chiến lược cho quốc gia, Hiện tại, một số ngành công nghiệp mũi nhọn đã được hình thành trên cơ sở những mỏ khoáng sản này.

 Bị cáo Nguyễn Văn Thuấn tại phiên xét xử.

Bị cáo Nguyễn Văn Thuấn tại phiên xét xử.

“Những năm cuối của sự nghiệp, bị cáo được điều động ra Hà Nội công tác với tư cách là người đứng đầu ngành địa chất. Sau khi được đi thăm một số nước, học hỏi kinh nghiệm, bị cáo đã về xây dựng Dự thảo Luật Khoáng sản 2010, xây dựng các Dự thảo Nghị định cấp quyền khai thác khoáng sản, Nghị định đấu giá quyền khai thác khoáng sản,… Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý khoáng sản chặt chẽ. Trước năm 2011, việc khai thác khoáng sản trên cả nước rất bừa bãi, gây thất thoát ngân sách và ô nhiễm môi trường. Kể từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực pháp luật, việc cấp quyền khai thác khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã thu về cho ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỉ đồng”, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết.

“Sau khi nghỉ hưu, bị cáo thành lập doanh nghiệp không liên quan gì đến khoáng sản; đã tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động và hàng năm đóng thuế hàng trăm triệu đồng. Hôm nay đứng trước tòa, bị cáo thấy vô cùng cay đắng và tủi nhục. Hành vi của bị cáo là ký tờ trình cấp phép khai thác khoáng sản khi không xem xét kỹ hồ sơ. Bị cáo kính đề nghị HĐXX cân nhắc giữa công và tội để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo một cách nhân văn”, bị cáo Thuấn nói.

Danh dự là hình phạt lớn nhất

Được nói lời sau cùng, bị cáo Hồ Đức Hợp - cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết, từ khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở, với đặc thù công việc ở Sở TN&MT đòi hỏi tính chuyên môn sâu, đa ngành, đa lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo cũng phải dựa và tin tưởng vào anh em làm chuyên môn, tham mưu và thận trọng trong quá trình giải quyết. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn nên bị cáo không thể bao quát hết được nhiệm vụ của mình. Để xảy ra vi phạm Công ty Thái Dương khai thác tài nguyên trên địa bàn, với vai trò là cơ quan tham mưu, là người đứng đầu Sở TN&MT, bị cáo phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

 Bị cáo Hồ Đức Hợp nói lời sau cùng.

Bị cáo Hồ Đức Hợp nói lời sau cùng.

Bị cáo nhận thức được rằng mình có lỗi với Đảng, với nhân dân. Bì cáo rất ăn năn hối hận vì đã để xảy ra việc này. Từ khi bị bắt đến nay, cái quý giá nhất, cái lớn lao nhất của một con người là danh dự; danh dự của bản thân, danh dự của gia đình, của dòng họ đã, đang và có lẽ sẽ còn bị ảnh hưởng lâu nữa và đây là chính là hình phạt lớn nhất đối với bị cáo. Được đứng đây nói lời sau cùng, bị cáo kính đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Hiện, bị cáo đã ngoài 60 tuổi rồi và đang mắc bệnh.

Ngoài đề nghị cho bản thân, cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo cấp dưới của mình, nhất là đối với bị cáo Lê Công Tiến - cựu Phó Giám đốc Sở.

Mong muốn được xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam ra nước ngoài

Nói lời sau cùng, bị cáo Lưu Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đất hiếm Việt Nam cho biết: Bị cáo nhận thấy rằng, những ngày qua, HĐXX và Viện kiểm sát đã làm việc rất công tâm, khách quan. Tuy nhiên, bị cáo mong muốn HĐXX cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng.

 Bị cáo Lưu Tuấn Anh nói lời sau cùng.

Bị cáo Lưu Tuấn Anh nói lời sau cùng.

“Bị cáo là nhà khoa học nên không biết các văn bản pháp luật nào là chính xác để bị cáo tham gia, bởi có rất nhiều văn bản chồng chéo. Tuy nhiên, lòng mong mỏi của bị cáo là mong muốn được xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam ra nước ngoài và thể hiện Việt Nam có khả năng sản xuất được đất hiếm để phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu”, bị cáo Lưu Tuấn Anh nói.

Giờ đây, bị cáo nhận thức được rằng bản thân mình đã sai, bị Viện kiểm sát truy tố và Tòa xét xử, bị cáo kính mong HĐXX xem xét cho bị cáo một mức án khoan hồng để bị cáo sớm có cơ hội được trở về quê nhà và tiếp tục thực hiện công việc nghiên cứu khoa học.

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Chính – Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty Thái Dương nghẹn ngào: “Từ khi bị khởi tố cho đến phiên tòa hôm nay, bị cáo đã nhận thức được bản thân mình mắc hai tội như cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố là đúng. Bị cáo không thắc mắc gì cả! Bị cáo chỉ xin HĐXX xem xét, căn cứ các tình tiết giảm nhẹ và vai trò thứ yếu của bị cáo trong vụ án để lượng hình, cho bị cáo được hưởng mức án khoan hồng”.

Được nói lời sau cùng, các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân như cáo trạng truy tố, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, bản thân là người làm công ăn lương, xem xét các tình tiết giảm nhẹ để cho các bị cáo được hưởng mức hình phạt khoan hồng, nhân văn.

Hồng Nguyên - Vũ Phương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/cuu-thu-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-bai-hoc-dat-gia-nay-khong-chi-danh-rieng-cho-bi-cao-177764.html