Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nhận trách nhiệm trong vụ biển thủ hơn 3,8 triệu USD

Trả lời HĐXX chiều 21-11, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, trong quyết định thành lập Ban Quản lý phòng chống cúm A (H5N1) năm 2005, có nội dung ghi rõ ban này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế hoặc Thứ trưởng quản lý y tế dự phòng.

Chiều 21-11, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Công ty Cửu Long) tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Trong vụ án trên, bị cáo Cao Minh Quang bị cáo buộc được giao nhiệm vụ chỉ đạo định kỳ kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir và sản xuất thuốc dự trữ, nhưng bị cáo Cao Minh Quang đã thiếu trách nhiệm không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không chỉ đạo kiểm tra để làm rõ số tiền hơn 3,8 triệu USD Công ty Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp nguyên liệu nên không phát hiện được doanh nghiệp này đã giữ lại gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Trong phần thẩm vấn chiều cùng ngày, ông Quang khai nhận với cáo buộc trên rằng, bản thân ông nghĩ việc quản lý tài chính là của bộ phận khác, và sau khi có chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ Tài chính kiểm tra tình hình mua, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu và sản xuất thuốc, ông đã hiểu rằng đây là yêu cầu kiểm tra toàn diện kế hoạch phòng chống dịch cúm, không chỉ có việc sản xuất thuốc.

Tháng 11-2008, ông Cao Minh Quang ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành Y tế - Tài chính để kiểm tra tình hình mua, sử dụng thuốc, nguyên liệu và sản xuất thuốc. Theo bị cáo, nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra việc thực thi các hợp đồng của các công ty, trong đó có Công ty Cửu Long.

Bi cáo Quang cho rằng, sau khi đoàn kiểm tra về, họ có báo cáo nhưng nội dung rất rộng, bị cáo nhớ phần tài chính của Công ty Cửu Long có được báo cáo về số tiền hơn 3,8 triệu USD.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang trả lời hội đồng xét xử

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang trả lời hội đồng xét xử

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, thời điểm đó ông chưa có chỉ đạo gì thêm mà chỉ nhận được kiến nghị từ Bộ Tài chính về việc kiểm tra nội dung xoay quanh số tiền hơn 3,8 triệu USD. Bị cáo Quang khai, trong báo cáo của đoàn kiểm tra gửi lãnh đạo bộ, phần chính không đề cập đến nội dung về số tiền hơn 3,8 triệu USD Công ty Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp.

Ông Cao Minh Quang cũng thừa nhận rằng, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ông đã thiếu sót không yêu cầu Cục Quản lý dược báo cáo về nội dung số tiền trên.

Bên cạnh đó, trong quá trình chỉ đạo Cục Quản lý Dược liên quan hợp đồng mua thuốc của Công ty Cửu Long, bị cáo Cao Minh Quang do tin tưởng cấp dưới nên không kiểm tra, rà soát. “Bị cáo thấy mình có một phần trách nhiệm, nhưng sai sót, khuyết điểm này không phải nguyên nhân trực tiếp để Công ty Cửu Long giữ lại tiền, mà do công ty cố tình che giấu, lập lờ hồ sơ”, ông Cao Minh Quang trình bày.

Cùng trả lời thẩm vấn, đại diện Bộ Y tế cho biết, số tiền đã thanh toán cho Công ty Cửu Long tại hợp đồng mua thuốc là tiền ngân sách nhà nước. Hiện, Bộ Y tế đã thanh toán đầy đủ cho phía công ty. Trong khi đó, đại diện Công ty Cửu Long nêu quan điểm họ sẵn sàng phối hợp với tòa án giải quyết sự việc theo hướng thượng tôn pháp luật.

Trước đó, trong phần thẩm vấn, bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cửu Long) được hội đồng xét xử thẩm vấn về vụ "biển thủ" hơn 3,8 triệu USD xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan.

Theo cáo buộc, thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir phòng, chống dịch cúm A(H5N1) tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thông báo giá thành sản xuất thuốc Oseltamivir của Bộ Tài chính, Bộ Y tế giao kế hoạch và đặt hàng Công ty Cửu Long sản xuất thuốc Oseltamivir từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Trong quá trình thực hiện, Công ty Cửu Long phải chấp hành cơ chế quản lý giá và các mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất thuốc, doanh nghiệp này được giảm giá mua nguyên liệu nhưng với động cơ vụ lợi, Lương Văn Hóa đã lợi dụng, chức vụ quyền hạn chỉ đạo cấp dưới hạch toán trái nguyên tắc kế toán; chỉ đạo lập thư giãn nợ để che giấu việc kiểm tra, thanh tra; đồng thời chỉ đạo hợp thức hồ sơ thanh toán che giấu nhằm giữ lại số tiền giảm giá mua nguyên liệu hơn 3,8 triệu USD (tương đương hơn 61 tỷ đồng) để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Tại tòa, bị cáo Hóa, năm 2005 là thời điểm đặc biệt khó khăn của các doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng hơn 20% trong khi Công ty Cửu Long là doanh nghiệp Nhà nước có vốn ít, nên phải vay ngân hàng.

Nói về cáo buộc giữ lại hơn 3,8 triệu USD mà không báo cáo Bộ Y tế, bị cáo Hóa cho rằng, các bị cáo sử dụng số tiền này như một dạng chiếm dụng vốn của khách hàng để giải cứu trong lúc phải trả lãi ngân hàng cao. Sau đó, bị cáo chỉ đạo cấp dưới hạch toán tiền trên vào phần giảm giá hàng hóa trong các năm 2006-2008.

Bị cáo Hóa cũng khai, mục đích giữ lại hơn 3,8 triệu USD không báo lại Bộ Y tế do thời điểm đó, công ty khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng cao nên Công ty Cửu Long giữ lại để cứu công ty.

Phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//cuu-thu-truong-bo-y-te-cao-minh-quang-nhan-trach-nhiem-trong-vu-bien-thu-hon-38-trieu-usd-858027.html