Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế 'thỉnh cầu' gì trước khi tòa ra phán quyết?
Chiều 17-5, phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo liên quan chuyển sang phần nghị án và tòa sẽ đưa phán quyết vào chiều 19-5 tới đây.
Trước khi HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội rút vào nghị án, các bị cáo trong vụ án lần lượt được nói lờ sau cùng.
Là người nói lời sau cùng đầu tiên, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Công ty VN Pharama) nói, bản thân nhận thức rất sâu sắc hành vi sai trái của mình. Bị cáo này trình bày rất ăn năn, hối lỗi và mong HĐXX cho hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về với xã hội.
Đến lượt mình, bị cáo Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C) thừa nhận hành vi phạm tội và mong HĐXX xem xét. Theo lời bị cáo này, do thiếu kiến thức pháp luật nên bị cáo mới phạm tội.
Nói lời sau cùng, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trình bày, trước khi bị truy tố, ông này là Thứ trưởng nhưng bị khởi tố về sai phạm từ thời là Cục trưởng Cục Quản lý Dược những năm 2008 – 2010. Theo bị cáo Cường, thời điểm đó, Cục có rất nhiều hồ sơ, khi ông mới lên, tiếp quản hệ thống văn bản pháp luật thời điểm đó rất đơn giản, thiếu.
Vì vậy, khi bắt đầu xây dựng hệ thống văn bản mới, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ để tránh hồ sơ mới nên hệ thống văn bản quá tải. Và cũng chính vì vậy mà những bị cáo thuộc Cục Quản lý Dược ngồi đây phải làm việc trong điều kiện quá tải, trang thiết bị nghèo nàn, dẫn đến sai sót.
“Tôi mong tòa giảm nhẹ trách nhiệm cho họ bởi đây là những con người tuyệt vời, làm việc rất trách nhiệm, mẫn cán. Mong tòa làm sao cho họ mức án thấp nhất” - cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói và cho biết khi họ xây dựng xong hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống văn bản ấy đã đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Tiếp đó, bị cáo Cường bảo đặc biệt sau khi vụ án khởi tố, ngành Dược bắt đầu gặp khó khăn, các chuyên gia từ chối thẩm định, từ chối ký hợp đồng dẫn tới không có thuốc cho bệnh nhân điều trị.
Và theo lời bị cáo Cường, hiện nay việc gia hạn số đăng ký thuốc, lãnh đạo Bộ Y tế cũng không dám gia hạn, phải đề nghị đến Ủy ban thường vụ quốc hội. “Đây là một nỗi buồn, dẫn đến ngành dược hiện nay hết sức khó khăn, bao công sức của anh em đổ xuống sông biển” - cựu Thứ trưởng Bộ Y tế ngậm ngùi.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói lời sau cùng tại tòa.
Bị cáo Cường mong tòa xem xét điều kiện khách quan, chủ quan, mức độ để cho các bị cáo hưởng mức án phù hợp, tạo điều kiện cho ngành dược sớm hồi phục lại. Theo bị cáo Cường, trước đây có khi có hàng nghìn số đăng ký thuốc thì nay chỉ còn khoảng 100 số đăng ký, không thể có thuốc cho người dân.
Trước khi dừng lời, bị cáo Cường bảo phải đứng vòng lao lý là nỗi mất mát to lớn nhất. “Xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh khách quan, chủ quan để làm sao cho tôi mức án không mang thêm nỗi đau khổ cho gia đình tôi, bản thân tôi” - bị cáo Cường khẩn cầu.
Nói lời sau cùng, cấp dưới của bị cáo Cường là cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Việt Hùng bảo, phải đứng trước tòa, bản thân ông ta thấy rất là chua xót.
“Tôi nhận thức được hành vi sai phạm của mình. Trong suốt quá trình điều tra, tôi đã rất hợp tác với cơ quan điều tra… nên mong HĐXX xem xét, khoan hồng cho bị cáo” - bị cáo Hùng nói.
Các bị cáo còn lại đa số đều nói bản thân rất ăn năn, hối lỗi, đã nhận thức được sai phạm của mình, xin HĐXX xem xét cho sớm trở về với gia đình.
Theo lời một số bị cáo này, họ có hoàn cảnh gia đình hết sức éo le, con nhỏ, cha mẹ già yếu… “Bị cáo biết chặng đường phía trước còn rất dài, mong HĐXX tạo điều kiện cho có cơ hội sớm trở về với gia đìn”, một bị cáo nói lời sau cùng.
Thậm chí, có bị cáo đã bật khóc khi nhắc đến việc con còn nhỏ, không có người chăm sóc, đưa con đi học; cha mẹ già yếu, không biết có kịp về gặp cha mẹ lần cuối không…