Cựu Thủ tướng Anh đề xuất gửi quân tới Ukraine nếu Mỹ cắt viện trợ

Cựu Thủ tướng Anh tuyên bố phương Tây sẽ phải đối mặt với 'mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn' nếu 'Ukraine thất thế'.

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: RT)

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: RT)

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với hãng GB News trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/11 rằng Anh không thể để Ukraine thất bại trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Ông cảnh báo London có thể tiến xa tới mức gửi quân tới chiến trường nếu Kiev “thất thế”.

Theo ông Johnson, thành công của Nga ở Ukraine sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh cho Mỹ và các đồng minh trên nhiều mặt trận. “Đó sẽ là các nước vùng Baltic. Nó sẽ ở Georgia. Bạn sẽ thấy tác động của thất bại của Ukraine ở tận mặt trận Thái Bình Dương”, chính trị gia nói mà không nêu rõ chính xác điều gì có thể xảy ra ở những khu vực đó.

Ông cũng mô tả hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev là một “khoản đầu tư hợp lý” và một cách “tốt” để chi tiêu công, lập luận rằng nếu không làm như vậy thì Vương quốc Anh sẽ phải trả nhiều tiền hơn vì “an ninh tập thể của chúng ta sẽ thực sự bị suy thoái bởi một cuộc nổi dậy. Nga đe dọa tất cả các khu vực của châu Âu”.

Cựu Thủ tướng Anh cũng chỉ ra viễn cảnh Mỹ cắt viện trợ cho Kiev là nguy cơ tiềm ẩn, đồng thời cho rằng một số người có quan điểm "sai lầm" về vấn đề này nằm trong vòng thân cận của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Ông Donald Trump có rất nhiều tiếng nói khác nhau bên cạnh ông ấy và có một mặt trận là đảng Cộng hòa, thực ra có khá nhiều người trong số họ, đã có quan điểm sai lầm về Ukraine”, ông Johnson nói.

Johnson tuyên bố, nếu viện trợ cho Ukraine giảm và Kiev bắt đầu thua cuộc, London có thể buộc phải triển khai quân tới khu vực. Chính trị gia này tuyên bố: “Sau đó chúng ta sẽ phải trả tiền để gửi quân đội Anh đến giúp bảo vệ Ukraine”.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không có kế hoạch tấn công NATO hoặc bất kỳ thành viên nào của tổ chức này. Đồng thời, Moscow cũng nhiều lần cảnh báo rằng bằng cách cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, khối này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp.

Nga nêu rõ rằng họ sẽ coi việc NATO cung cấp tên lửa tầm xa cho các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga là hành vi tấn công trực tiếp của các quốc gia đã cung cấp vũ khí.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh thay đổi học thuyết hạt nhân của quốc gia, trong đó liệt kê các cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là lý do dẫn đến phản ứng hạt nhân từ phía Nga, cùng những lý do khác.

Tuần trước, tờ Telegraph đưa tin Anh và Pháp có thể thúc đẩy xung đột Ukraine leo thang hơn nữa bằng cách cố gắng thuyết phục Washington cho phép Kiev tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga bằng vũ khí phương Tây, bao gồm cả tên lửa hành trình Storm Shadow/Scalp.

Ông Johnson từng bị cáo buộc là người làm gián đoạn các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev vào mùa Xuân năm 2022. Các cuộc đàm phán ở Istanbul đã đưa ra một văn bản được các nhà đàm phán Nga và Ukraine đồng ý vào thời điểm đó.

Trưởng phái đoàn Ukraine tại Istanbul, nghị sĩ David Arakhamia, sau đó thừa nhận rằng Kiev đã rút khỏi thỏa thuận đó sau khi ông Johnson thúc giục nước này “cứ chiến đấu” với Nga, trong chuyến thăm thủ đô Ukraine.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cuu-thu-tuong-anh-de-xuat-gui-quan-toi-ukraine-neu-my-cat-vien-tro-post180049.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat