Cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina chính thức bị khởi tố
Ngày 10/7, Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICT) - một tòa án Bangladesh được chỉ định để xét xử các tội ác quốc tế, đã ra quyết định khởi tố bà Sheikh Hasina, cựu Thủ tướng nước này cùng hai cựu quan chức cấp cao trong Chính phủ của bà, với năm tội danh, trong đó có tội ác chống loài người.
Theo cáo trạng, ba người này bị cáo buộc chỉ đạo chiến dịch đàn áp nhằm dập tắt cuộc biểu tình do phong trào sinh viên lãnh đạo, kéo dài từ tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 2024. Số liệu của Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, chiến dịch này đã khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng chỉ trong ba tuần, đẩy chính trường Bangladesh vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nếu bị kết án, các bị cáo có thể đối mặt với án tử hình.
Phát biểu với báo chí tại thủ đô Dhaka, Công tố viên trưởng Tajul Islam cho biết bà Sheikh Hasina đã ra lệnh bắn và giết người biểu tình trong “Phong trào Tháng Bảy”. Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICT) đã yêu cầu xét xử bà.

Cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. (Ảnh: Reuters)
Phiên tòa đầu tiên dự kiến diễn ra ngày 3/8 với phần trình bày cáo trạng của công tố viên và phần xét hỏi nhân chứng bắt đầu từ ngày 4/8. Đáng chú ý, ông Al Mamun, cựu Cảnh sát trưởng Quốc gia, được cho là đã nhận tội và đồng ý trở thành nhân chứng bên công tố. Trong khi đó, bà Hasina và cựu Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan sẽ bị xét xử vắng mặt.
Đảng Liên đoàn Awami do bà Hasina lãnh đạo lập tức bác bỏ cáo trạng, gọi đây là “trò hề chính trị” và cáo buộc chính quyền lâm thời lợi dụng Tòa án để thanh trừng phe đối lập. Hiện, Chính phủ lâm thời tại Bangladesh đã chính thức gửi yêu cầu dẫn độ bà Hasina cho Ấn Độ nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bất ổn chính trị tại Bangladesh bùng phát từ phong trào của sinh viên nước này phản đối chính sách tuyển dụng công chức gây tranh cãi của Chính phủ. Căng thẳng leo thang thành bạo lực trên đường phố buộc cựu Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức và sang Ấn Độ tị nạn ngày 5/8/2024.