Cựu Thủ tướng Hun Sen được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Campuchia
Với việc cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen được bầu làm Chủ tịch Thượng viện, quá trình hoàn thiện các cơ cấu quyền lực ở 'đất nước chùa tháp' về cơ bản đã hoàn tất. Điều này tạo cơ sở cho sự phát triển của Campuchia cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Campuchia với các nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Hun Sen tuyên thệ trước Quốc Vương Norodom Sihamoni
Tại kỳ họp đầu tiên diễn ra hôm 3-4, Thượng viện Campuchia đã tiến hành quy trình bầu nhân sự giữ các chức danh lãnh đạo Thượng viện khóa V. Kết quả, Samdech Techo Hun Sen được bầu làm Chủ tịch Thượng viện với 62/62 phiếu ủng hộ. Trong khi đó, cùng nhận được 100% số phiếu ủng hộ, ông Prak Sokhonn và ông Ouch Borith được tín nhiệm giữ cương vị Phó Chủ tịch thứ nhất và Phó Chủ tịch thứ hai Thượng viện Campuchia khóa V.
Phát biểu sau phiên bỏ phiếu kể trên, ông Hun Sen - người cũng là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cam kết nỗ lực phục vụ nhân dân và đất nước. Ông nói: “Tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn vì đã tin tưởng tôi, cho phép tôi lãnh đạo Thượng viện”. Sau khi được bầu, vào lúc 16 giờ cùng ngày, Ban lãnh đạo và các thành viên Thượng viện Campuchia khóa V đã thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc Vương Norodom Sihamoni tại cung điện hoàng gia Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh.
Thượng viện Campuchia có 62 ghế. 58 ghế sẽ do 125 nghị sĩ và hơn 11 nghìn quan chức đứng đầu chính quyền địa phương bầu chọn, còn Quốc vương Norodom Sihamoni bổ nhiệm 2 thượng nghị sĩ và Quốc hội bổ nhiệm 2 ghế còn lại. Trong cuộc bầu cử ngày 25-2 vừa qua, có 4 chính đảng bao gồm đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Ý chí Khmer, đảng Sức mạnh Dân tộc và đảng bảo hoàng FUNCINPEC tham gia tranh cử 58 trong tổng số 62 ghế thượng nghị sĩ. Kết quả, CPP giành chiến thắng áp đảo với 55 ghế thượng nghị sĩ khóa mới. Tại cuộc bầu cử, Chủ tịch CPP Hun Sen tham gia tranh cử và trúng cử tại khu vực bầu cử tỉnh Kandal, giáp ranh Thủ đô Phnom Penh.
Ông Hun Sen sinh năm 1952 tại xã Peam Koh Sna, huyện Stoeung Trang, tỉnh Kong Pong Cham, Campuchia. Trình độ học vấn: cử nhân chính trị tại Đại học Campuchia; tiến sĩ về khoa học chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hà Nội, Việt Nam; giáo sư, tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới về các lĩnh vực khoa học chính trị, luật, quan hệ quốc tế, giáo dục…
Ông Hun Sen trở thành Bộ trưởng Ngoại giao của Cộng hòa Nhân dân Campuchia vào năm 1979 sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, thời điểm ông mới 27 tuổi. Sau đó, ông làm Phó thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1981-1985. Theo tờ Khmer Times, ông Hun Sen nhậm chức thủ tướng lần đầu tiên vào ngày 14-1-1985 sau khi được Quốc hội Campuchia nhất trí bầu chọn ông kế nhiệm ông Chan Sy, người qua đời trong lúc còn đương nhiệm vào tháng 12-1984. Vào thời điểm đó, ông Hun Sen mới 32 tuổi và trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới. Ông cũng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao cho đến năm 1991.
Ngày 26-7-2023, ông Hun Sen thông báo từ chức Thủ tướng Campuchia sau 38 năm lãnh đạo đất nước. Sau khi rời khỏi cương vị thủ tướng, ông Hun Sen giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cơ mật của Quốc vương. Dưới sự dẫn dắt của ông, dù có lúc thăng trầm nhưng đất nước Campuchia ngày càng phát triển. Campuchia đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực thực hiện “Chiến lược tam giác phát triển” và “Chiến lược tứ giác phát triển”, không ngừng nâng cao vị thế đối ngoại của Campuchia ở khu vực và quốc tế. Trong đó có việc Campuchia gia nhập ASEAN vào năm 1999, trở thành quốc gia cuối cùng ở Đông Nam Á lục địa tham gia tiến trình hội nhập khu vực.
Năm 2023, kinh tế Campuchia đạt mức tăng trưởng 5,5%. Hiện nay, Campuchia đang tích cực triển khai Chiến lược Tứ giác giai đoạn 4, tập trung cải cách toàn diện kinh tế-xã hội, tăng cường hội nhập, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050. Về dài hạn, GDP của Campuchia được dự báo sẽ đạt khoảng 30,24 tỷ USD vào năm 2024 và 38,39 tỷ USD vào năm 2025.
Nhân vật không thể thiếu trong nền chính trị Campuchia
Theo Hiến pháp Campuchia, Thượng viện là cơ quan lập pháp tối cao, góp phần đảm bảo sự vận hành ổn định của quy trình lập pháp của đất nước thông qua hoạt động xem xét, thông qua luật. Nhiệm kỳ Thượng viện kéo dài 6 năm, được thành lập thông qua bầu cử, có số thành viên bằng một nửa số lượng nghị sĩ Quốc hội đương nhiệm.
Theo Fresh News, ông Hun Sen là một nhân vật không thể thiếu trong nền chính trị Campuchia, cả hiện tại và tương lai, vì sự hiện diện của ông là nền tảng của đoàn kết dân tộc, thúc đẩy hòa bình, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định và thịnh vượng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực.
Còn nhà phân tích chính trị Campuchia Ou Virak thì bình luận: “Thượng viện không phải là cơ quan chính trị hay lập pháp quyền lực, nhưng giữ vai trò nghi lễ tối thượng và là biểu tượng chính trị cao nhất của quốc gia này… Tại Campuchia, chủ nghĩa biểu tượng ở khắp mọi nơi và là tất cả”. Theo ông Ou Virak, Quốc vương thường xuyên công du, nên việc ông Hun Sen đảm nhận vai trò Chủ tịch Thượng viện là rất quan trọng và mang tính biểu tượng cực kỳ lớn. Phát biểu sau khi được bầu, ông Hun Sen cho biết sẽ dùng vai trò có tính nghi lễ cao thứ hai, chỉ sau nhà vua Campuchia, để thúc đẩy ngoại giao với các nước, trong đó có các nước ASEAN.
Ông Hun Sen đã nhiều lần thăm Việt Nam. Trong các lần gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Việt Nam, ông Hun Sen bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn đối với Đảng Nhân dân Campuchia, Nhà nước và nhân dân Campuchia. Ông khẳng định các nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia, Quốc hội, Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục giữ gìn, vun đắp mối quan hệ truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng phát triển.
Tháng 2-2024, nhân dịp Campuchia tổ chức thành công cuộc bầu cử Thượng viện khóa V, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư chúc mừng đến Chủ tịch CPC Hun Sen. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng rằng, với những thành quả đã đạt được, cùng kinh nghiệm phong phú và sự ủng hộ của nhân dân Campuchia, Đảng Nhân dân Campuchia do Chủ tịch Hun Sen đứng đầu sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Campuchia. Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục làm hết sức mình cùng với Campuchia giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.