Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck được tuyên trắng án
Ngày 4/3, Tòa án tối cao Thái Lan đã tuyên trắng án đối với cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck - một tín hiệu đáng mừng với gia đình Shinawatra.
Tín hiệu sáng cho gia tộc Shinawatra
Truyền thông Thái Lan và luật sư của bà Yingluck Shinawatra đều chính thức xác nhận việc bà được tuyên trắng án trong vụ việc từ năm 2013.
Vụ trắng án lần này liên quan việc Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan cáo buộc bà Yingluck và 4 người khác về tội phá hoại đất nước, cho rằng bà không tuân thủ quy trình đấu thầu trong hợp đồng chính phủ có giá 250 triệu Baht (6,7 triệu USD) cho hai hãng truyền thông lớn thực hiện chiến dịch thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng mang tên “Xây dựng Tương lai Thái Lan”.
Theo tuyên bố của Tòa án Tối cao Thái Lan ngày 4/3, 9 thẩm phán nhất trí không nhận thấy các bị cáo có ý định mang lại lợi ích cho hai cơ quan truyền thông đã giành được hợp đồng.
“Dự án được thực hiện theo đúng quy định”, tuyên bố của tòa cho hay.
Bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin , đã sống lưu vong 6 năm để tránh ngồi tù vì những cáo buộc lạm dụng, sao nhãng nhiệm vụ, gây thiệt hại ngân sách nhà nước... Bà Yingluck là Thủ tướng Thái Lan từ năm 2011 đến khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014.
Vào tháng 12/2023, bà Yingluck cũng được Tòa án tối cao Thái Lan tuyên bố trắng án cho cáo buộc lạm dụng chức vụ. Đó là vụ việc liên quan tới cáo buộc sai phạm trong quyết định bổ nhiệm Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan vào năm 2011. Phán quyết ngày 26/12 cho rằng bà Yingluck không có ý định gây thiệt hại và đây là vụ thuyên chuyển bình thường. Tòa án cũng thu hồi lệnh bắt giữ đối với bà.
Phán quyết ngày 4/3/2024 là thành công pháp lý mới nhất cho gia đình Shinawatra.
Những tranh cãi về cựu Thủ tướng Thaksin
Gần đây, anh trai bà Yingluck, ông Thaksin, cũng đã được ân xá và trả tự do. Cựu Thủ tướng Thaksin đã lưu vong 15 năm cũng vì các cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực, trước lúc trở về Thái Lan hồi tháng 8/2023. Ông Thaksin từng giữ chức Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 nhưng bị lật đổ sau cuộc đảo chính của quân đội năm 2006.
Ngày 18/2/2024, đương kim Thủ tướng Srettha Thavisin đã khẳng định việc ân xá cho ông Thaksin là đúng theo các quy định của hệ thống tư pháp.
Ngoài ra, ông Srettha cho rằng Nội các Thái Lan sẵn sàng đón nhận những lời khuyên từ ông Thaksin, vì cựu Thủ tướng chỉ muốn tốt cho đất nước và có nhiều kinh nghiệm trong thời gian sống ở nước ngoài.
Tuy vậy, việc ông Thaksin được trả tự do sau 6 tháng bị giam, bắt đầu ngay sau khi ông trở về nước vào ngày 22/8/2023, đã vấp phải phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Thực tế, ông chưa từng ở đêm nào trong nhà tù mà chỉ ở bệnh viện vì lý do sức khỏe. Đảng Tiến bước (MFP) đối lập cho rằng việc ông Thaksin được hưởng đặc quyền từ liên minh do Pheu Thai lãnh đạo, dù lấy lý do là sự bù đắp cho việc ông bị lật đổ, là sai trái.
Lần hồi hương của ông Thaksin gây tin đồn rằng ông đã thỏa thuận bí mật với đối thủ chính trị nhưng gia đình Shinawatra đã bác bỏ điều này.
Nhiều ý kiến cho rằng sự hiện diện của ông Thaksin sẽ nhanh chóng thay đổi cục diện chính trị Thái Lan.
Giới phân tích chính trị nhận định ông Thaksin có khả năng sẽ là trung tâm quyền lực chính trị của chính phủ đương nhiệm và có thể làm lu mờ Thủ tướng đương nhiệm Srettha.
Đảng Pheu Thai hiện đang phải vật lộn để đối phó với những khó khăn liên quan đến kế hoạch gây tranh cãi là phát 10.000 Baht cho mỗi người dân và ông Thaksin được coi là người duy nhất có thể nâng cao uy tín của đảng.
Vào tháng 3/2023, Đảng Pheu Thai đã đề cử bà Paetongtarn Shinawatra (37 tuổi), con gái của ông Thaksin, làm ứng cử viên tranh cử vị trí Thủ tướng Thái Lan. Hình ảnh bà Paetongtarn dù đang mang thai tháng thứ 8 vẫn sôi nổi tham gia các cuộc mít-tinh vận động cử tri gây ấn tượng mạnh mẽ với truyền thông quốc tế.
Theo Forbes, gia tộc quyền lực Shinawatra vẫn duy trì ảnh hưởng nhất định trên chính trường Thái Lan bất chấp những thăng trầm.