Cựu thượng tá Hồ Anh Sơn thông đồng với Công ty Việt Á như thế nào?

Liên quan Công ty Việt Á, theo cáo buộc của VKS quân sự Trung ương, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn đã đưa kit của Việt Á đi thử nghiệm, thay vì test do Học viện Quân y nghiên cứu.

Như PLO đã đưa tin, ngày 27-12 tới đây, Tòa án quân sự thủ đô Hà Nội sắp xét xử cựu thượng tá Hồ Anh Sơn, cùng 6 bị cáo khác về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan vụ Việt Á.

 Phan Quốc Việt, chủ tịch Công ty Việt Á. Ảnh: BCA

Phan Quốc Việt, chủ tịch Công ty Việt Á. Ảnh: BCA

Thông đồng với Công ty Việt Á

Theo cáo buộc của VKS quân sự trung ương, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại ở nước ngoài và có nguy cơ cao lây lan vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện quân y có công văn gửi Bộ KH&CN về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển kit chẩn đoán viêm phổi do vi rút corona.

Do vụ lợi cá nhân nên từ tháng 1-2020, Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng, Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ đã thông đồng với Phan Quốc Việt, chủ tịch Công ty Việt Á và Hồ Anh Sơn, phó giám đốc Viện nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện quân y.

Cụ thể, nhóm 3 bị cáo này đã đưa Công ty Việt Á vào tham gia Đề tài với vai trò là cơ quan phối hợp, sản xuất 20.000 test kit thử nghiệm. Sau đó, để Công ty Việt Á được cấp phép và sản xuất thương mại trái pháp luật bộ kit.

Ngày 6-2-2020, Học viện quân y ký Hợp đồng thực hiện Đề tài KH&CN số 29/20–ĐTĐL.CN-CNN với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN với tổng kinh phí đề tài là 18,98 tỉ đồng.

Quá trình nghiên cứu Đề tài, Trịnh Thanh Hùng, Hồ Anh Sơn, Phan Quốc Việt thống nhất không đặt ra vấn đề Học viện quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu để Việt Á sản xuất 20.000 test kit thử nghiệm.

Nhóm 3 bị cáo thông đồng với nhau đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện quân y) đi thử nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài và nghiệm thu Đề tài.

Do đó, quy trình nghiên cứu của Học viện quân y không có sản phẩm được thử nghiệm, đánh giá và hậu quả là Đề tài không hoàn thành.

VKS Quân sự Trung ương xác định Phan Quốc Việt gian dối trong làm thủ tục cấp phép bộ sản phẩm kit tại Bộ Y tế.

Hành vi gian dối này của các bị can trong việc tiếp nhận, nghiên cứu, nghiệm thu, quyết toán số tiền Bộ KH&CN giao Học viện quân y nghiên cứu Đề tài, đã gây thiệt hại là 18,4 tỉ đồng.

 Cựu thượng tá Hồ Anh Sơn (phải) và Chủ tịch Công ty Việt Á Phan Quốc Việt

Cựu thượng tá Hồ Anh Sơn (phải) và Chủ tịch Công ty Việt Á Phan Quốc Việt

Cựu thượng tá vụ lợi cá nhân

Theo cáo buộc, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn thực hiện yêu cầu của Hùng, làm văn bản của Học viện quân y đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá thử nghiệm kit của Đề tài nhưng sau đó lại sử dụng kit của Công ty Việt Á để đưa đi thử nghiệm, nghiệm thu Đề tài trái pháp luật và vi phạm Hợp đồng số 29 ký giữa các cơ quan của Bộ KH&CN với Học viện quân y.

Theo yêu cầu của Phan Quốc Việt, ông Sơn trình cấp trên ký biên bản bàn giao không đúng nội dung để Công ty Việt Á làm thủ tục cấp phép tại Bộ Y tế.

VKS xác định ông Sơn là người thực hành tích cực được Phan Quốc Việt chi cho 2,4 tỉ đồng và phải chịu trách nhiệm với tổng thiệt hại của Đề tài là 18,4 tỉ đồng, chịu trách nhiệm trực tiếp phần tiền Học viện quân y được giao trong nghiên cứu Đề tài là 7,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, Hồ Anh Sơn là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vụ lợi cá nhân trong việc mua, bán tăm bông, ống môi trường dán nhãn Viện Nghiên cứu y dược học quân sự và cung cấp cho Công ty Việt Á để bán cho các cơ quan, tổ chức sử dụng trong phòng, chống dịch. Qua đó, bị cáo được hưởng lợi trái phép 2,1 tỉ đồng.

Cơ quan công tố cáo buộc bị cáo Hồ Anh Sơn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Học viện quân y, Quân đội. Đây là hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuu-thuong-ta-ho-anh-son-thong-dong-voi-cong-ty-viet-a-nhu-the-nao-post767298.html