Cựu tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh xin hưởng án treo

Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, bị cáo Mai Tuấn Anh, cựu tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), thừa nhận trách nhiệm song xin hưởng án treo

Ngày 25-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm xét đơn kháng cáo của 10 bị cáo và phía bị đơn dân sự trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư xây dựng xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2).

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Trong đó, bị cáo Mai Tuấn Anh, cựu tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), bị tuyên án sơ thẩm 42 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 9 bị cáo khác là kỹ sư vật liệu, Giám đốc ban điều hành, Giám đốc chất lượng… kháng cáo xin giảm hình phạt, xin hưởng án treo về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Liên quan tới vụ án, 5 nhà thầu gồm: Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cùng 4 nhà thầu Hàn Quốc, Trung Quốc tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng kháng cáo do không đồng ý với phần trách nhiệm bồi thường. Trước đó, các nhà thầu bị cấp sơ thẩm tuyên phải bồi thường thiệt hại cho VEC số tiền 460 tỉ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, các nhà thầu là bên có trách nhiệm thi công công trình, tạo ra sản phẩm theo hợp đồng với chủ đầu tư; tư vấn giám sát và chủ đầu tư có lỗi trong quản lý hợp đồng giám sát thi công, cũng không làm giảm đi trách nhiệm của nhà thầu với chất lượng công trình…

Do đó, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xét thấy trách nhiệm đầu tiên thuộc các bị cáo của nhà thầu thi công, sau đó là các bị cáo thuộc tư vấn giám sát, cuối cùng là các bị cáo khác (chủ đầu tư VEC và Ban quản lý dự án, thuộc VEC).

Tại tòa cấp phúc thẩm, bị cáo Mai Tuấn Anh cho rằng bản án sơ thẩm đã kết luận đúng người, đúng tội và bị cáo Tuấn Anh nhận thấy bản thân có trách nhiệm khi để xảy ra thiếu sót này. Tuy nhiên, bị cáo Tuấn Anh cũng mong Hội đồng xét xử xem xét nội dung "phải liên đới chịu trách nhiệm thiệt hại" mà tòa sơ thẩm đã tuyên.

Liên quan đến Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, bị cáo này cho biết về mặt kỹ thuật, tuyến đường được khai thác đúng quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, bị cáo cũng thừa nhận sau khi đi vào khai thác, có xuất hiện hư hỏng, có ổ voi, ổ gà song chỉ là cục bộ khoảng 70 m2 trên toàn bộ tuyến đường.

Bị cáo Mai Tuấn Anh nói rằng vấn đề chất lượng tuyến đường có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về mặt chủ quan, có thể do chất lượng công trình; về mặt khách quan có thể là do tác động thời tiết, xe cộ đi lại trong thời gian dài. Các công trình đều phải bảo hành, bảo trì là bình thường.

Ngoài ra, bị cáo Mai Tuấn Anh cũng mong tòa án xem xét các tài liệu, các văn bản mà bị cáo chỉ đạo cấp dưới về công tác kiểm tra, cùng các tình tiết giảm nhẹ khác, như gia đình có công với cách mạng, vợ chồng bị cáo tự nguyện tham gia nhiều công tác thiện nguyện… để cân nhắc giảm nhẹ hình phạt xuống án treo cho bị cáo.

Theo bản án sơ thẩm, VEC là công ty 100% vốn nhà nước do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản. Đơn vị này được giao làm chủ đầu tư Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, là công trình trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài gần 140 km. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.

Ở giai đoạn 2 dài 74 km (từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi), Hội đồng xét xử nhận định dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và do Tổ chức tư vấn CDM Smith Inc của Mỹ thực hiện giám sát thi công. 22 bị cáo trong vụ án bị quy kết trong quá trình xây dựng đã cùng nhiều người khác không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế, thi công... Sai phạm của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào vận hành giai đoạn 2 dài 74 km và sau đó hư hỏng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỉ đồng.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuu-tong-giam-doc-vec-mai-tuan-anh-xin-huong-an-treo-196240625185440099.htm