Các hãng tin lớn của Nga đồng loạt dẫn tin Bệnh viện Trung ương Moscow cho biết, ông Mikhail Sergeyevich Gorbachev qua đời vào chiều tối ngày 30/8 (giờ địa phương) sau một thời gian chống chọi với bệnh tật.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin đã gửi điện chia buồn đến gia đình và người thân ông Gorbachev, đồng thời bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc.
Ông Gorbachev sẽ được chôn cất tại Nghĩa trang Novodevichy ở Moscow, bên cạnh người vợ Raisa theo ý nguyện của nhà lãnh đạo trước khi rời nhiệm sở. Bà Raisa qua đời năm 1999.
Các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ lòng thành kính trước sự ra đi của cựu lãnh đạo Liên Xô.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói ông Gorbachev là người “mở đường cho một châu Âu tự do”.
Sau nhiều thập niên căng thẳng và đối đầu giữa các bên trong Chiến tranh Lạnh, ông Gorbachev đã đưa Liên Xô đến gần phương Tây hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Thế chiến 2.
Những người ủng hộ cho rằng ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh, trong khi những người phản đối cáo buộc ông hỗ trợ cho sự sụp đổ của Liên Xô và làm mất uy tín và ảnh hưởng toàn cầu của Moscow.
Ông Gorbachev sinh ngày 2/3/1931. Ông tốt nghiệp Khoa Luật tại Đại học Tổng hợp Moscow năm 1955, sau đó nhận bằng tại Học viện Nông nghiệp Stavropol vào năm 1967.
Ông Gorbachev được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1952, trở thành Ủy viên Trung ương Đảng năm 1971.
Ông được bầu vào chức tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1985. Khi đó, ông Gorbachev thúc đẩy chính sách công khai (glasnost) và công cuộc cải tổ (perestroika).
Trong thời gian nắm quyền, Gorbachev đã nhắm tới mục tiêu tái tạo sức sống cho nền kinh tế Liên Xô đang đình trệ, vốn đã kém hiệu quả, chi tiêu quốc phòng quá mức và nạn tham nhũng đang gia tăng.
Ông kêu gọi khẩn trương tổ chức lại và hiện đại hóa, nhưng sớm mở rộng cải cách sang cơ cấu chính trị và xã hội của cả quốc gia.
Ông công bố Chính sách 'perestroika' - chương trình tái cấu trúc, vào năm 1986 như một nỗ lực để tổ chức lại nền kinh tế.
Chương trình tái cấu trúc trên nhằm mang lại sự độc lập hơn cho các bộ và các doanh nghiệp nhà nước lớn và cũng giới thiệu một số cải cách theo kiểu thị trường tự do.
Năm 1988, Gorbachev cho phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân ở nước này lần đầu tiên kể từ “Chính sách kinh tế mới” của Vladimir Lenin vào những năm 1920.
Một chính sách khác được công bố là 'glasnost', công khai hóa và minh bạch hóa đến mức tối đa các hoạt động của những cơ quan nhà nước và tự do thông tin và ngôn luận tại Liên Xô.
Chính sách này nhằm mục đích mang lại sự minh bạch cho xã hội, giảm bớt sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với các phương tiện truyền thông và trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Chính sách đối ngoại của Gorbachev, còn được gọi là “tư duy mới”, đánh dấu thời kỳ cải thiện đáng kể quan hệ giữa Liên Xô và các nước phương Tây, thay thế cho thời kỳ chiến tranh lạnh.
Năm 1986, ông công bố kế hoạch rút quân đội Liên Xô khỏi Afghanistan, nhưng phải mất ba năm sau để hoàn thành việc rút quân.
Chiến tranh Liên Xô-Afghanistan là một điểm chỉ trích chính đối với phương Tây. Nó cũng khiến Liên Xô thiệt hại ít nhất 15.000 người thương vong, gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế.
Mối quan hệ trở lại với phương Tây đã mở đường cho một số hiệp ước giải trừ quân bị quan trọng được ký kết. Moscow và Washington đã đồng ý dỡ bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường tầm trung của họ.
Vì những nỗ lực của mình trong việc xoa dịu căng thẳng quốc tế, Gorbachev đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1990.
Ông được bầu làm tổng thống vào tháng 3/1990, trở thành tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên bang Xô Viết. Ông từ chức vào ngày 25/12/1991.
Các chính sách của Gorbachev khiến ông nổi tiếng ở phương Tây, nhưng ở đất nước của mình, ông vẫn là một nhân vật gây tranh cãi cho đến ngày nay.
Ông bị nhiều người coi là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc làm tan rã liên bang Xô Viết
Việt Hùng